Mới đây, Đài Á Châu Tự Do cho biết, một người dân thường trú tại tỉnh Tuyên Quang đã tử vong, sau hai ngày bị tạm giữ tại trại tạm giam Công an thành phố Hà Giang, hồi tuần trước. Công an thông báo cho gia đình biết, người này tử vong do tự sát, nhưng gia đình nạn nhân nghi ngờ thông tin này. Nạn nhân là Nguyễn Văn Hưng, sinh năm 1979, đến từ thôn Cầu Giát, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Một khi công an kết luận nạn nhân tự sát, thì xem như, công an vô can trong cái chết của nạn nhân. Đây không phải là lần đầu tiên, mà là một trong vô số các trường hợp người dân chết bất thường tại đồn công an. Nếu người dân chấp nhận lời giải thích của phía công an, thì xem như chấp nhận sự áp đặt của công an, là công an không bao giờ sai. Còn nếu cứ cố tìm hiểu sự thật tới cùng, thì sẽ bị “côn đồ” tấn công tàn nhẫn. Và kết quả cuối cùng, dù ôm cục oan cục tức như núi, thì vẫn phải chấp nhận dân sai.
Trước đây, ngày 5/8/2015, Đỗ Đăng Dư (sinh năm 1998), thường trú tại thôn Đông Cựu, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, bị Công an huyện Chương Mỹ bắt vì nghi ngờ trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, ngày 4/10/2015, Dư được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ngay sau đó, Bệnh viện Hà Đông đã chuyển Dư đến khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục theo dõi và điều trị. Đến khoảng 18h ngày 10/10/2015, Đỗ Đăng Dư đã tử vong.
Đứng trước cái chết đầy nghi vấn và nguyên nhân cái chết bị phía công an áp đặt, một số luật sư đã tình nguyện bảo vệ miễn phí cho Đỗ Đăng Dư, như Luật sư Trần Thu Nam và Luật sư Lê Văn Luân. Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Mai, là mẹ của Đỗ Đăng Dư bị Công an Hà Nội “ép phải từ chối luật sư” bảo vệ quyền lợi cho gia đình, mà cụ thể là từ chối Luật sư Nam.
Ngày 3/11/2015, hai luật sư trên đã đến thăm nhà Đỗ Đăng Dư, tuy nhiên, sau khi rời khỏi đó, ông Nam và ông Luân đã bị tám người bịt mặt “bằng khẩu trang”, dùng xe máy chặn đầu xe ô tô và “hành hung, đánh đập”.
Bọn côn đồ đánh luật sư là do ai điều khiển, thì ai cũng hiểu. Công an thường hay dùng côn đồ để hành động kiểu ném đá giấu tay như thế. Đấu luật với luật sư không được thì dùng trò bẩn. Trò bẩn này, dù biết rõ là do công an sai khiến, nhưng lại không thể kiện được họ, không thể khẳng định được. Và đây cũng là cách mà công an thường dùng để đe dọa dân, nếu dân muốn dùng luật pháp chống lại lực lượng “còn Đảng còn mình”.
Ngày 12/11/2015, Luật sư Trần Vũ Hải, trưởng nhóm bảo vệ hai luật sư trẻ Lê Văn Luân và Trần Thu Nam, người đứng ra kêu gọi cuộc tuần hành bảo vệ hai luật sư này, bị một số người mặc thường phục bắt và đưa về đồn Công an phường Xuân La, Hà Nội. Vụ việc rất căng thẳng nhưng cuối cùng rồi cũng bị dẹp êm.
Việc đòi công lý cho Đỗ Đăng Dư không được, và đòi sự thật cho 2 luật sư bị hành hung cũng không tới đâu.
Một khi người dân đòi hỏi sự thật, thì cả bộ máy chính quyền vào cuộc, quyết đè bẹp mọi đòi hỏi chính đáng của người dân. Sau vụ Đỗ Đăng Dư, gần như không còn một vụ dân bị chết trong đồn công an nào, mà có thể đòi được công lý. Không ai có thể chống lại sức mạnh của Bộ Công an.
Hiện nay, Trung ương chi ngân sách cho công an rất dồi dào, đến gần 100.000 tỷ đồng, gấp 16 lần ngân sách cho Bộ Giáo dục và gấp 14 lần ngân sách cho Bộ Y tế. Tuy nhiên, chuyện cấp tiền nhiều đã đành, mà Đảng còn bảo vệ cho công an làm việc ác. Đó mới là điều mà không ai có thể tưởng tượng nổi, ở ngay thời đại văn minh này lại có một nhà nước như thế.
Ngày 19/3/2015, Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng, từ tháng 10/2011 – 9/2014 (3 năm) đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam, trên toàn quốc. Một con số làm lạnh xương sống người có lương tri.
Sau vụ Đỗ Đăng Dư, báo chí không còn nhắc gì đến con số người dân bị giết khi bị tạm giam ở đồn công an. Tất cả mọi nguyên nhân đều đổ cho người đã chết, rằng họ “tự sát”.
Thu Phương – (Tổng hợp)