Ngày 22/8, báo chí nhà nước đồng loạt cho biết, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, 61 tuổi, đã từ trần hồi 20 giờ 20 phút ngày 22/8, ở nhà riêng tại Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, do bệnh nặng, theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương cho biết như thế.
Đây là kết quả mà nhiều người đã biết trước từ 10 tháng năm ngoái, khi mà từ trong nội bộ tuồn ra văn bản phân công nhiệm vụ cho 3 phó thủ tướng còn lại làm thay công việc cho ông Thành. Ông Lê Văn Thành được xác định là bị “bệnh lạ”, tương tự như ông Trần Đại Quang, và cũng đến Nhật chữa trị như trường hợp ông Trần Đại Quang.
Thông tin ông Lê Văn Thành đi Nhật chữa bệnh rộ lên, sau khi, ngày 23/11/22, trên mạng xã hội xuất hiện tờ Quyết định do ông Phạm Minh Chính ký ngày 21/11/2022, về việc phân công cho hai phó thủ tướng Lê Minh Khái và Vũ Đức Đam tạm thời đảm trách điều hành phần việc của ông Lê Văn Thành tại Chính phủ. Thông tin ông Thành đi Nhật chữa bệnh bị báo chí âm thầm bác bỏ, tuy nhiên, sự thật vẫn là sự thật. Dù báo chí đưa tin ông Lê Văn Thành ra quyết định này quyết định, kia nhưng không thể bịt mắt được toàn dân.
Được biết, trước khi ngã bệnh, thì ngày 5/11/2022, ông Lê Văn Thành có nhận lời mời đi thăm Trung Quốc của Chính phủ Trung Quốc. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã dự và phát biểu trực tuyến tại diễn đàn cấp cao RCEP, Thượng Hải, Trung Quốc. Tương tự, trước khi ngã bệnh, ông Trần Đại Quang cũng có chuyến thăm Trung Quốc.
Hầu hết các quan chức cấp cao sau khi ngã bệnh đều chọn nước ngoài làm nơi chữa trị, duy chỉ có ông Nguyễn Phú Trọng là chọn Việt Nam. Có người nói rằng, nếu nắm được Ủy ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, thì mới an tâm chữa bệnh ở nhà, còn không thì nên chọn nước ngoài. Bởi nước ngoài chỉ chú tâm đến việc chữa trị, không tiếp tay cho những kẻ có âm mưu hạ độc người bệnh.
Khi bị đột quỵ một cách bí hiểm ở Kiên Giang vào ngày 14/4/2019, ông Nguyễn Phú Trọng chọn ở lại Việt Nam chữa trị. Thông tin nội bộ cho biết, Bắc Kinh đã cử những bác sĩ giỏi nhất sang Bệnh viện Quân Y 108 để chữa trị cho ông Tổng Bí thư. Không biết, do các y bác sĩ của Việt Nam không đủ trình, hay không đủ tin tưởng, mà ông Trọng phải nhờ bác sĩ ngoại bang sang chữa trị?
Ông Lê Văn Thành được xem là một Nguyễn Bá Thanh của Hải Phòng, bởi qua bàn tay ông, thành phố này có nhiều khởi sắc. Cũng tương tự như Nguyễn Bá Thanh, làm vua tại địa phương thì không sao, nhưng khi về Trung ương thì bị họa sát thân. Cả 2 trường hợp, Nguyễn Bá Thanh và Lê Văn Thành, đều được cho là những trường hợp bị chết bất thường, liên quan đến những trận kịch chiến sinh tử giữa các phe phái ở Trung ương.
Năm 2021, ông Lê Văn Thành bị ép về Trung ương thì đúng hơn là ông tranh đấu để được vào Trung ương. Việc đẩy Lê Văn Thành vào ghế Phó Thủ tướng, được xem như là kế “điệu hổ ly sơn”, đưa con hổ ra khỏi lãnh địa Hải Phòng để làm thịt.
Đất Hải Phòng hiện đang được giao cho người Tây Ninh, ban đầu là ông Trần Lưu Quang. Sau khi ông Trần Lưu Quang được điều về Chính phủ để thay thế Phạm Bình Minh, thì nhóm Tây Ninh lại đưa người Tây Ninh trám vào tiếp, đó là ông Lê Tiến Châu.
Thời ông Lê Văn Thành làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ngoài thành quả phát triển kinh tế, ông cũng để lại nhiều di sản tồi tệ. Trong đó, có đường dây làm ăn của ông Đỗ Hữu Ca. Ông Tô Lâm đưa ông Đinh Văn Nơi về Quảng Ninh, không chỉ để đánh ở địa phận Quảng Ninh, mà còn đánh luôn cả phần của Hải Phòng.
Trò chơi sau hậu trường chính trị có nhiều cấp, nếu bị bắt và bỏ tù thì được xem là tội nhẹ. Tội nặng là tội không bị khởi tố, không bị bắt bỏ tù, mà là bất ngờ ngã bệnh rồi bị Bác Hồ gọi về. Bởi, dù bị kết án thì cũng còn có thể dùng tiền để mua án, để ngồi tù tượng trưng, rồi về, chứ còn bị đồng chí cho ăn “virus lạ”, thì xem như hết cơ hội sống sót.
Thu Phương – (Tổng hợp)