Đâu đó vẫn còn cái đói và nạn mù chữ

Link Youtube: https://youtu.be/sAga71ZcohA

Ngày 29/8, tác giả Thành Lê có bài “Không còn nạn đói, nhưng đói vài tháng mỗi năm”, đăng trên một kênh truyền thông quốc tế tiếng Việt.

 

Theo tác giả, việc xóa đói hiện nay diễn ra đều đều, mỗi năm ít nhất khoảng ba tháng, với đều đều khoảng trên dưới 10 tỉnh thành trong cả nước, suốt hàng chục năm nay.

Tác giả liệt kê một loạt dẫn chứng lấy ngẫu nhiên từ báo chí trong nước. Theo đó: Tháng 1/2023, xuất cấp hơn 1.300 tấn gạo hỗ trợ dân thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 ở tỉnh Nghệ An; ngày 14/3/2023, phát gạo cứu đói giáp hạt trên địa bàn xã Cao Lâu thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, với 281 nhân khẩu, cấp 15kg gạo mỗi người; đầu năm 2023, cấp hơn 181 tấn gạo hỗ trợ nhân dân có nguy cơ thiếu đói dịp Tết nguyên đán Quý Mão và giáp hạt đầu năm 2023 ở Kon Tum…

 

Tác giả cho biết, cứu đói thời điểm Tết nguyên đán và giáp hạt, là hoạt động thường xuyên của Chính phủ, do Cục dự trữ Nhà nước thực hiện, theo đơn xin của ủy ban nhân dân các tỉnh, được Chính phủ duyệt.

Tác giả nhớ rằng, trong một cuộc họp báo cuối năm cách đây khoảng mười năm, đại diện Chính phủ tỏ ra rất bực bội, vì có quá nhiều tỉnh xin gạo cứu đói dịp Tết, trong đó có những tỉnh khấm khá. Sau cuộc họp và truyền thông, một số tỉnh xin rút.

Tác giả đặt câu hỏi: Vì sao có những tỉnh luôn luôn hàng năm phải cứu đói?

Dễ thấy, hầu hết đó là những tỉnh miền núi phía Bắc, nơi điều kiện canh tác nông nghiệp rất khó khăn. Những ruộng bậc thang đẹp tuyệt vời, nhưng từng bậc thang, ruộng nhỏ xíu, chỉ trồng được rất ít lúa, mà tưới tiêu, bón phân cho ruộng rất vất vả.

Tác giả phân tích, có lẽ, do cả điều kiện sống lẫn văn hóa, tập quán, các dân tộc ít người sinh sống trên vùng núi cao, hiếm người có thói quen làm lụng, tính toán và dành dụm.

Thêm vào đó, chính sách bảo trợ cho dân tộc ít người, từ 5-7 chục năm nay của Việt Nam, khiến không ít đồng bào dân tộc ít người quen với việc hễ đói thì sẽ được Nhà nước phát gạo, không có nhà cửa thì Nhà nước làm nhà cho ở. Nhà nước cho gia súc, đồng bào nuôi, đẻ được con thì đồng bào hưởng. Nhưng lại có không ít đồng bào nhận con trâu, con bò về, thì chỉ biết buộc dây cho quanh quẩn một xó, không biết dắt đi ăn, cũng không biết cắt cỏ về cho ăn. Ban ngày bụng đói, ban đêm nằm không, không chuồng trại, không che chắn gió lạnh, không phun muỗi, nhiều con gia súc chỉ bị muỗi rừng chích đốt mà lăn ra chết.

Chết cũng không sao. Nhà nước lại cấp, hoặc có các mạnh thường quân.

Trên miền núi cứ vì vậy mà nghèo đói triền miên.

Tác giả nhận xét, ngay tại các đô thị lớn cũng không thiếu người nghèo, tuy nhiên, đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên, nhất là Tây Bắc, thì còn được xếp vào loại “nghèo sâu, nghèo kinh niên, luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo”.

 

Hình: Báo cáo của Unicef về nạn đói và suy dinh dưỡng ở Việt Nam trong năm 2023

 

Tác giả kể về một lớp học tình thương miễn phí ở Sài Gòn, với những người lớn, tuổi từ 18 đến trên 30, vào năm 2020. Tất cả họ đều mù chữ, lúc đó mới bắt đầu học những con chữ đầu tiên, lần đầu tiên trong đời tập cầm chiếc bút.

Hoàn cảnh họ khá giống nhau: Còn nhỏ thì nhà nghèo (hoặc ham chơi, cha mẹ không khuyến khích đi học), lớn lên chút bận lăn vào đời kiếm sống, nên cứ vậy mù chữ cho tới giờ.

Tác giả tiếp tục kể về một trường học phổ thông tại một vùng núi phía Bắc, với các em bé người Thái và Mông đang học lớp 5. Tuy sách giáo khoa các em dùng là dành riêng cho các dân tộc thiểu số, nhưng bài luận lại viết về một buổi đi chơi phố của em bé thành thị, với nhiều từ ngữ khá khó với trình độ tiếng Việt của các bé trong lớp.

Sau buổi học, tác giả cầm sách nhờ các bé tự đọc lại. Lần đọc này, chúng đọc lõm bõm, rất nhiều từ và dấu bị đọc sai, không còn giống lúc chúng lặp lại theo giáo viên. Nhưng sai ở đâu, chúng cũng không biết.

Nhưng đến cuối năm, tất cả bọn trẻ con đều lên lớp.

Và từ đó, vẫn theo tác giả, bắt đầu một vòng tròn không lối thoát: Càng lên lớp cao, bài học tiếng Việt càng khó, sức tiếp thu của bọn trẻ càng kém. Càng học càng không hiểu, chúng bắt đầu sinh chán nản và muốn bỏ học.

Tác giả nhận định, trẻ người Kinh có thời gian sử dụng tiếng Việt với gia đình, hàng xóm, bạn bè, và qua tivi, báo đài, internet… Nhưng trẻ dân tộc thiểu số miền núi hoàn toàn không có điều kiện này.

Bọn trẻ chỉ có vài tiếng/buổi học để trao đổi bằng tiếng Việt với thầy cô, thời gian đó không thể giúp chúng thành thạo tiếng Việt ở mức độ chuẩn của từng cấp lớp.

Khi bọn trẻ không tiếp tục đi học, đồng thời vẫn tiếp tục sống trong môi trường khu trú, không giao tiếp nhiều với cộng đồng phổ thông, khả năng tái mù chữ rất cao.

Cho đến nay, tác giả cho biết thêm, tại hầu như tất cả các địa phương vẫn còn hoạt động xóa mù chữ chính thức của Nhà nước, bên cạnh đó là rất nhiều các lớp học tình thương của vô số tổ chức xã hội dân sự, người dân, và các tổ chức tôn giáo.

 

Ý Nhi – thoibao.de

>>> Ông Lê Văn Thành từ trần, trò chơi tàn khốc sau hậu trường chính trị!

>>> Bộ Công an được cấp nhiều tiền, được gây tội ác và được bảo vệ làm ác!

>>> Tham nhũng, vùng cấm và “trùm cuối” trong vụ Việt Á

>>> Phải chăng Tô Lâm đang muốn biến Chính phủ thành cơ quan giúp việc cho mình?

Kỹ năng bạc tỷ: Làm thế nào lính Tô đẩy được voi lọt lỗ kim?