Ngày 29/8, truyền thông nhà nước Việt Nam đã chính thức đưa tin về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ. Báo Thanh Niên đưa bản tin với tiêu đề hời hợt, “Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam vào tháng 9”.
Dù vậy, bản tin này cũng đã xóa tan những đánh giá cho rằng, Việt Nam im lặng, không dám đưa tin về chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này. Theo đó, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ quyết định nâng cấp mối quan hệ ngoại giao, từ đối tác toàn diện, sang đối tác chiến lược. Dù rằng, mối quan hệ này vẫn thấp hơn so với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, mà Việt Nam dành cho 4 quốc gia, trong đó có Nga và Trung Quốc.
Trước đó, ngày 28/8, Tòa Bạch Ốc công bố, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, vào ngày 10/9 sẽ công du Việt Nam. Tổng thống Mỹ sẽ gặp các lãnh đạo hàng đầu Việt Nam, để bàn một loạt vấn đề, và ông Joe Biden sẽ rời Hà nội vào ngày 11/9.
Thông cáo của Tòa Bạch Ốc nêu rõ, tại Hà Nội, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, và những vị lãnh đạo khác. Tổng thống Hoa Kỳ và những nhà lãnh đạo Việt Nam, sẽ bàn thảo về việc tăng cường mối quan hệ song phương, cũng như thúc đẩy nền kinh tế hướng về công nghệ và sáng tạo cho Việt Nam.
Việc truyền thông nhà nước Việt Nam chính thức đưa tin về một sự kiện có thể coi là đặc biệt quan trọng này, diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung rất căng thẳng. Theo đó, Trung Quốc đang gia tăng các hành động lấn át đối với các quốc gia Đông Nam Á có chủ quyền tại Biển Đông. Đây cũng là lần đầu tiên ông Joe Biden tới thăm Hà Nội, trong tư cách Tổng thống Hoa Kỳ.
Đối với lãnh đạo Hà Nội, đây là một sự kiện hết sức nhạy cảm cho mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, khiến họ lúng túng. Được biết, trước đây ít ngày, trong chuyến thăm và làm việc của Phó Thủ tướng Việt Nam, ông Trần Lưu Quang, tại Vân Nam, Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung quốc Vương Nghị đã cảnh báo, Việt nam “không được xa rời ý thức hệ”. Đó là sự nhắc nhở về cam kết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 31/10, tới ngày 1/11/2022, nhân dịp Chủ tịch Tập Cận Bình tái đắc cử lần thứ 3, sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Được biết, Tập Chủ tịch đã nhắc Tổng Bí thư Trọng, “không được để cho phương Tây xen vào mối quan hệ của chúng ta”.
Có lẽ, do thói quen “cam kết một đằng nhưng làm một nẻo”, nên ngày 25/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải “bất ngờ” thăm và làm việc tại Lạng Sơn. Đồng thời trồng cây lưu niệm tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.
Chỉ có đi trồng cây thôi, vậy mà, cùng đi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có các ủy viên Bộ Chính trị: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lâm Thị Phương Thanh; Tư lệnh Quân khu 1, Trung tướng Nguyễn Hồng Thái; và nhiều ban bệ rềnh rang. Phải kể thêm, chuyến thăm của Tổng Bí thư có sự tháp tùng của Đại sứ Trung quốc tại Hà nội – ông Hùng Ba.
Dường như chưa đủ, vẫn sợ “bạn vàng phương Bắc” phật lòng, Bộ Quốc phòng Việt Nam chiều ngày 28/8 đã họp báo, đưa tin về “Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng Biên giới Việt- Trung” lần thứ 8, sẽ diễn ra trong các ngày 7 và 8/9 sắp tới. Cụ thể, hai Bộ trưởng Quốc phòng của hai nước đồng chủ trì cuộc giao lưu lần này, sẽ diễn ra tại Lào Cai, Việt Nam và Vân Nam, Trung Quốc.
Một số hoạt động đáng chú ý trong lần giao lưu này, là tô son cột mốc biên giới giữa hai phía; sơ kết cụm dân cư kết nghĩa hai bên biên giới; sơ kết quy chế phối hợp giữa Tiểu đoàn Biên phòng Hà Khẩu thuộc Bộ đội Biên phòng Khu Mông Tự, Trung Quốc và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lào Cai, Việt Nam…
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang của Việt Nam sẽ hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc, nhân lần giao lưu này.
Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, hoạt động “Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng Biên giới Việt- Trung” lần thứ 8, nhằm tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc. Mối quan hệ đã được ký kết nhân chuyến thăm Hoa Lục của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, vào tháng 11 năm ngoái.
Điều đáng nói ở đây là, quan điểm đối ngoại của Việt nam, làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước lớn như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc… là điều đáng hoan nghênh. Song, mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam phải được đặt trên nền tảng của sự bình đẳng, tôn trọng sự độc lập, chủ quyền, cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt nam. Không thể chấp nhận các biểu hiện nước lớn, lấn át, của lãnh đạo Trung Quốc. Ví dụ như, khi trao đổi với các lãnh đạo đồng cấp Việt Nam, họ thường sử dụng các mệnh lệnh ép buộc như “Trung quốc yêu cầu…; Việt nam phải …” v.v..
Cho nên, việc Việt Nam quan hệ với quốc gia nào, cấp độ ra sao, là chuyện nội bộ của người Việt Nam, Việt Nam tự quyết định. Việc gì ban lãnh đạo Hà Nội phải đôn đáo, bày ra những việc hay sự kiện để lấy lòng bạn vàng một cách không cần thiết. Phải chăng, nhằm để xoa dịu sự tức giận của ban lãnh đạo Bắc Kinh, trước sự tiến triển vượt bậc trong quan hệ Việt – Mỹ.
Điều đó là một sự sỉ nhục đối với Việt nam, một quốc gia độc lập có chủ quyền.
Từ ngàn xưa, với người Việt Nam, thì “Sông núi nước Nam, Vua Nam ở”, hay “Thà làm quỷ nước Nam hơn làm Vương đất Bắc”.
Nhún nhường quá với láng giềng, bất kể họ là ai, là đồng nghĩa với sự sỉ nhục!