Link Youtube: https://youtu.be/8U8SOeeIMes
Theo RFA cho hay, Hoa Kỳ vào ngày 5/9 lên tiếng bác bỏ cái gọi là “bản đồ chuẩn” của Trung Quốc; đồng thời kêu gọi Bắc Kinh hãy ứng xử phù hợp trong tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông cũng như những nơi khác.
Phó Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Vedant Patel, nói với báo giới tại cuộc họp thường kỳ rằng những tuyên bố chủ quyền mở rộng và phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế.
Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023 của Trung Quốc đã chính thức được phát hành vào ngày 28/8 và ra mắt trên trang web của dịch vụ bản đồ tiêu chuẩn do Bộ Tài nguyên (Trung Quốc) quản lý.
Hoa Kỳ là nước công khai bác bỏ bản đồ mới của Trung Quốc công bố hôm 28/8; sau khi nhiều nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã phản đối, khi Trung Quốc công bố một bản đồ chính thức tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, cũng như các khu vực có tranh chấp với Ấn Độ và Nga.
Trong số các phần lãnh thổ được đưa vào bản đồ mới có bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, khu vực Trung Quốc lâu nay vẫn tuyên bố chủ quyền là phần phía Nam của Tây Tạng và Aksai Chin, khu vực khô hạn ở phía Bắc Ladakh, vốn bị Trung Quốc chiếm đóng kể từ khi kết thúc Chiến tranh Trung-Ấn năm 1962.
Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra chiến tranh ở biên giới vào năm 1962, và ranh giới tranh chấp đã dẫn đến tình trạng đối đầu kéo dài 3 năm giữa hàng chục nghìn binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực Ladakh. Một cuộc đụng độ ba năm trước trong khu vực đã giết chết 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc.
Một điểm khác biệt của bản đồ mới là “đường 10 đoạn”, bao quanh Biển Đông (“đường 9 đoạn”) và toàn bộ đảo Đài Loan (vạch thứ 10), cùng một số đảo nhỏ mà các nước Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền như Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Indonesia. “Đường 10 đoạn” này cũng bao trùm thêm nhiều khu vực thuộc EEZ của các quốc gia Biển Đông khác.
Theo bản đồ này, một phần lãnh thổ của Nga là đảo Bolshoi Ussuri, cũng bị coi là lãnh thổ của Trung Quốc mặc dù đã có sự phân định giữa Nga và Trung Quốc. Theo hiệp ước năm 2008 giữa Nga và Trung Quốc, hòn đảo này được phân chia giữa hai nước. Tuy nhiên, bản đồ chính thức mới của Trung Quốc lại đánh dấu toàn bộ hòn đảo là điểm cực đông của lãnh thổ Trung Quốc.
Đại diện Nga ở Ấn Độ, ông Denis Alipov, cũng cho rằng cái gọi là “bản đồ chuẩn” của Trung Quốc không làm thay đổi gì trên thực tế.
Malaysia sau đó bác bỏ “tuyên bố đơn phương” của Trung Quốc và nói thêm rằng bản đồ này không mang tính ràng buộc pháp lý với Malaysia. Việt Nam, Đài Loan, Indonesia và Philippines là các nước tiếp theo lên tiếng phản đối.
Hòn đảo tự trị Đài Loan mà Trung Quốc tuyên bố là của mình cũng bác bỏ đường chín đoạn và các yêu sách về Biển Đông của Bắc Kinh.
Các yêu sách lãnh thổ đôi khi dẫn tới sự đối đầu trực tiếp. Cách đây hơn một tuần, các tàu Philippines đã vượt qua vòng phong tỏa của tàu tuần duyên Trung Quốc tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông để cung cấp hàng tiếp tế cho lực lượng Philippines bảo vệ bãi cạn tranh chấp.
Vào ngày 31/8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng nói rõ cái gọi là “bản đồ chuẩn” của Trung Quốc không có giá trị. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, nói với báo giới rằng “yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ (mới của Trung Quốc) là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.” Bà Hằng cũng cho biết chính quyền Việt Nam đang tìm cách làm rõ cáo buộc của ngư dân Việt Nam rằng một tàu Trung Quốc đã tấn công tàu đánh cá của họ bằng vòi rồng.
Tuyên bố chủ quyền lâu đời của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến nước này rơi vào thế đối đầu căng thẳng với Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines, tất cả các nước này đều có tuyên bố chủ quyền cạnh tranh nhau.
Xuân Hưng – Thoibao.de
>>>Về Quảng Ninh gặp ngay “xương voi”, Đinh Văn Nơi nuốt mãi không trôi!
>>>Nhiều người Việt ủng hộ nâng cấp mối quan hệ Việt – Mỹ
>>>Anh Trần Huỳnh Duy Thức và các tù nhân lương tâm bị đe dọa tính mạng tại trại giam số 6
>>>Lộ bí mật các dữ liệu thông tin của công dân: Lỗ hổng ở đâu, Cục An ninh mạng cần trả lời?
Nguyễn Chí Vịnh mắc bệnh “lạ” sức khỏe suy sụp do bàn tay Trung Quốc: Sự thật hay tin đồn?