Lần đầu tiên một Tổng thống đứng cạnh một Đảng trưởng trên bục danh dự

Link Youtube: https://youtu.be/IgjQw1-c480

 

Ngày 9/9, blog Lê Quốc Quân trên VOA có bài “Khi một Tổng Bí thư tiếp một Tổng thống”.

 

Tác giả cho biết, chuyến đi của Tổng thống Joe Biden được bàn tán khá nhiều, vì mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam với Hoa Kỳ trong suốt chiều dài lịch sử. Nó khác với những lần đi thăm của các Tổng thống Mỹ trước đây, là chỉ thực hiện chuyến đi Việt Nam khi đã sắp hết nhiệm kỳ và mang tính nghi thức. Lần này, hai “nguyên thủ” gặp nhau để cho ra những quyết định chiến lược dài hơi cho 2 nước, đặt nền tảng cho một sự hợp tác vô cùng quan trọng giữa 2 quốc gia trong tương lai.

 

Tác giả dẫn Điều 86 Hiến pháp năm 2013, ghi rõ: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”. Thế mà, tác giả bình luận, Tổng Bí thư của một Đảng đã thay mặt cả nhà nước, mời Tổng thống Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam, và ông Trọng cũng là người chủ trì lễ đón.

Tác giả dẫn Điều 4 Hiến pháp, quy định “Đảng Cộng sản lãnh đạo”, nhưng không có một câu từ nào nói về vai trò của ông Tổng Bí thư. Khoản 3, Điều 4 Hiến pháp còn ghi rõ: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật”. Vậy việc mời và đón thăm đã là một sự “lạ”, thu hút sự chú ý rất lớn của nhân dân.

Tác giả nhận xét, các báo Việt Nam đã rất tế nhị khi đề cập đến vấn đề này. Tờ Tuổi Trẻ giật tít là “chưa từng có tiền lệ” và viết: “Ông Joe Biden không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam, nhưng là Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm chính thức theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ riêng điều đó đã nói lên sự đặc biệt của chuyến thăm này”.

Tác giả tiếp tục bình luận, nếu như ông Biden chỉ đi dự với tư cách là người của đảng Dân chủ đang cầm quyền, thì ông Nguyễn Phú Trọng có quyền mời và tiếp đón, với tư cách giữa đảng với đảng. Còn nếu ông Biden đến với tư cách là Nguyên thủ quốc gia nước Mỹ, thì theo quy định, phải là khách mời của Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt . Ông sẽ được coi là Quốc khách và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ chủ trì nghi lễ đón tiếp.

 

 

Có lẽ, Hoa Kỳ thực dụng hơn, và để hướng tới một quan hệ “thực chất” hơn, cho nên, hai bên sẵn sàng bỏ qua lên những giao thức ngoại giao thông thường. Mục tiêu của Tổng thống Hoa Kỳ là “” Việt Nam nằm trong chiến lược lớn hơn của Hoa Kỳ trong thế cạnh tranh với Trung Quốc.

 

Tác giả nhận định, vấn đề quan trọng là, khi Tổng thống Hoa Kỳ chấp nhận một chuyến đi mà ông Trọng chủ trì lễ đón, cả 2 cùng bước lên bục danh dự, thì phải hiểu rằng, Hoa Kỳ đã chính thức công nhận tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hoa Kỳ đã nhiều lần khẳng định “tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam”, nhưng nếu được đón như là một quốc khách, đây có lẽ là lần đầu tiên một Tổng thống đứng cạnh một Đảng trưởng, với tư cách là “Nguyên thủ quốc gia” trên bục danh dự và quân nhạc cử Quốc thiều.

Theo tác giả, đối với Việt Nam, ông Joe Biden biết rõ, ai là người có quyền lực; và ông sẽ làm bất cứ điều gì có lợi cho Hoa Kỳ. Vào năm 2015, ông cũng đã từng mở tiệc chiêu đãi trọng thể Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đọc Kiều. Có lẽ “trời còn để có hôm nay”, nên 2 vị lãnh đạo cũng quyết tâm để đặt dấu ấn vào lịch sử, bằng cách nâng cấp quan hệ, sau khi đã cùng nhau nâng ly trong bữa tiệc 8 năm trước. Tổng thống Joe Biden hiểu rõ tình hình chính trị của Việt Nam và sẵn sàng bỏ qua mọi nghi thức, để hoàn tất những bước chiến lược của Hoa Kỳ.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden trên bục danh dự

 

Còn ông Trọng, từ một biên tập viên của Tạp chí Cộng sản, đã trở thành nhân vật trung tâm trong mối quan hệ lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tác giả đánh giá, chúng ta sẽ không thể biết được, ông Trọng đã nghe gì và nói gì trong chuyến thăm của Lưu Kiến Siêu vào 2 ngày trước đây, cũng như sẽ không thể biết được ai sẽ sang Bắc Kinh sau chuyến đi của Joe Biden.

Nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng, ông Trọng đang trở nên quan trọng hơn giữa bối cảnh mà cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều muốn giành ảnh hưởng của mình tại châu Á nói chung, với Việt Nam nói riêng. Họ đều nhìn thấy ông Trọng là nhân vật quyền lực nhất, có khả năng ra quyết định nhất.

Tác giả cho rằng, chuyến đi của Tổng thống Biden lần này, thực sự mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, nhưng cũng tạo ra những thách thức lớn, đặc biệt khi lịch sử lên tiếng buộc phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhất là khi nổi “can qua”. Đó là lúc có thể xảy ra một sự biến cho quốc gia.

Tác giả kết luận, việc ký kết thành “Đối tác chiến lược toàn diện”, nếu có, sẽ để lại một di sản thực sự có ý nghĩa cho tương lai Việt Nam, nếu như những người kế nhiệm của 2 vị hôm nay tiếp tục xây dựng được lòng tin chiến lược. Lòng tin đó phải thể hiện bằng các cam kết cụ thể và thực chất trong tương lai, dù có phải trải qua những sóng gió, hoặc sự “chia rẽ”, từ bất cứ lực lượng nào trên thế giới.

Như vậy, chúng ta sẽ có một Việt Nam mà thế hệ hôm nay chấp nhận được và con cháu mai sau có thể tự hào.

 

Hoàng Anh – thoibao.de

>>>Về Quảng Ninh gặp ngay “xương voi”, Đinh Văn Nơi nuốt mãi không trôi!

>>>Nhiều người Việt ủng hộ nâng cấp mối quan hệ Việt – Mỹ

>>>Anh Trần Huỳnh Duy Thức và các tù nhân lương tâm bị đe dọa tính mạng tại trại giam số 6

>>>Lộ bí mật các dữ liệu thông tin của công dân: Lỗ hổng ở đâu, Cục An ninh mạng cần trả lời?

Nguyễn Chí Vịnh mắc bệnh “lạ” sức khỏe suy sụp do bàn tay Trung Quốc: Sự thật hay tin đồn?