Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chủ động đưa ra lời mời Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Việt Nam, trong khuôn khổ một chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước, khi ông Joe Biden sắp thực hiện chuyến công du châu Á vào trung tuần tháng 9/2023. Điều này được chính ông Joe Biden xác nhận, khi ông nói với cử tri trong một cuộc vận động tranh cử vào tháng 7/2023, rằng: “Tôi không nói đùa đâu nhé, chúng ta đã có Philippines và sắp tới đây, sẽ có thêm cả Việt Nam lẫn Campuchia, họ cũng đang muốn trở thành một phần trong sự kết nối với chúng ta”.
Do vậy, Tổng Bí thư Trọng – trên cương vị là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam – đã chủ trì việc đón tiếp người đứng đầu Hợp chủng quốc Hoa kỳ, một nhà nước nổi tiếng chống Cộng, chống khủng bố. Đồng thời, việc ông Joe Biden chấp nhận, cũng như đồng ý hội đàm tại trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam – một cựu thù của Hoa Kỳ – là một sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử bang giao giữa hai nước.
Truyền thông Việt Nam và Hoa Kỳ đều hồ hởi đưa toàn tin “màu hồng” về chuyến thăm của Tổng thống Biden, đặc biệt là về việc Việt Nam – Hoa Kỳ đã đạt được sự thống nhất, đưa mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước lên mức cao nhất là “đối tác chiến lược toàn diện”.
Các chính trị gia ở Đông Nam Á thậm chí còn tung hô, coi sự đột phá của quan hệ Mỹ Việt là bài học cho các quốc gia trong khu vực Asean, về việc gác bỏ quá khứ, hướng đến tương lai. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn câu hỏi, “Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ: Hình thức hay thực chất?”
Trong lúc, trước chuyến thăm, đa số các ý kiến cho rằng, việc nâng cấp quan hệ chỉ mang tính hình thức, với mục đích tạo cơ hội, giúp cho Hà Nội tận dụng thị trường, nguồn vốn, cũng như công nghệ của Mỹ, để phát triển kinh tế. Còn vấn đề hợp tác an ninh, bảo vệ chủ quyền, thì 100% sẽ là con số zero. Đến hôm nay, kết quả là đúng như thế!
Tại sao lại kết luận như vậy?
Đơn giản, câu trả lời là, tại thời điểm này, việc truy cập vào website “Đài tiếng nói Hoa Kỳ” tại Việt Nam vẫn không có kết quả, vì vẫn bị chặn tường lửa, không thể truy cập được.
Ông Kim Văn Chính, cựu giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, viết trên trang Facebook cá nhân của mình, nguyên văn: “TRÊN BẢO DƯỚI KHÔNG NGHE HAY LÀ CỘNG SẢN NÓI VÀ LÀM KHÁC NHAU?
Hôm nay trang web VOA chính thức của Chính phủ Mỹ vẫn bị chặn ở Việt Nam. Vậy Hiệp định đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa gì nhỉ? Hay là chờ hiệu lực ???”
Nếu hiểu rằng, trong đối ngoại, khái niệm “đối tác chiến lược toàn diện” là mối quan hệ ở mức cao nhất trong quan hệ song phương, nó tương ứng với khái niệm “đồng minh” trong hợp tác quân sự, nếu có kèm theo các Hiệp ước tương hỗ bảo vệ lẫn nhau trong hợp tác giữa hai nước. Nghĩa là, quan hệ Mỹ – Việt hiện nay là bước đầu tiến tới quan hệ “đồng minh”. Vậy mà “(Đài) tiếng nói của Hoa Kỳ” bị Việt Nam chặn, không cho truy cập, thì “đối tác chiến lược toàn diện” Việt – Mỹ có ý nghĩa gì?
Chuyện Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ngày 11/9 đã “nhỡ miệng”, khiến Tổng thống Joe Biden biểu thị thái độ không hài lòng, trước những câu hỏi mang tính “khích bác” của người đứng đầu cơ quan lập pháp của Nhà nước Việt Nam. Cùng lúc, Bắc Kinh lên tiếng dèm pha, chỉ trích chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Biden chỉ là hình thức, trong khi hai nước “Cộng sản anh em vẫn tin cậy lẫn nhau”.
Với tiêu đề, “Đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường”, báo Người Đô thị, một trang báo ít người Việt Nam biết tới, cho biết, “Chiều 11/9, tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden…”. Và “Hội kiến Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hoa Kỳ sớm hoàn tất thủ tục công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; tiếp tục dành nguồn lực cho hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh”.
Tại sao, trong Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện ngày 10/9, có đoạn khẳng định rất rõ: “Ngày 8/9/2023, Mỹ đã nhận được yêu cầu chính thức của Việt Nam, đề nghị Mỹ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Mỹ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định.” Do vậy, người ta không hiểu, ông Vương Đình Huệ lại tái đề nghị “Hoa Kỳ sớm hoàn tất thủ tục công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường…” để làm gì? Hay là ông Huệ muốn “chơi đểu”, muốn khẳng định “Chủ nghĩa Cộng sản” đã chấm dứt ở Việt Nam với Tổng Trọng hay sao?
Trong khi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chiều ngày 10/9 đã khẳng định: “Việt Nam – Hoa Kỳ gác lại quá khứ để hướng tới tương lai”, thì Chủ tịch Huệ vẫn cố ý khơi lại câu hỏi và yêu cầu (Tổng thống Joe Biden) “tiếp tục dành nguồn lực cho hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh” để làm gì nữa, nếu không gọi là hành động “chọc ngoáy” bất nhã? Hình ảnh minh họa của báo Người Đô thị cho thấy, khi nghe ông Huệ nói, khuôn mặt của Tổng thống Hoa Kỳ thay đổi, mà chỉ có từ tức giận mới đủ để mô tả?./.
Trà My – Thoibao.de