BBC Tiếng Việt sẽ về đâu sau khi rời London

Nhà báo Nguyễn Hùng tại BBC London

Với mốc thời gian đóng cửa (Văn phòng Ban biên tập) BBC Tiếng Việt ở London, 15/11/2023, đang tới gần, câu hỏi đặt ra là BBC Tiếng Việt sẽ đi về đâu.

Câu trả lời đơn giản là (Văn phòng Ban biên tập) chuyển về Bangkok để giảm tới một nửa chi phí hoạt động so với trước đây. Số nhân viên (Ban biên tập BBC Tiếng Việt) phục vụ công chúng Việt Nam từ Thái Lan của ban Việt ngữ sẽ vẫn ở mức khoảng 10 người trong thời gian trước mắt.

Nhưng chuyện tương lai của BBC Tiếng Việt trong những năm tới là điều khó đoán định.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy một tương lai bấp bênh cho thương hiệu 71 năm của BBC.

Thứ nhất, BBC đã tìm người đứng đầu văn phòng BBC ở Bangkok cả năm nay mà không tuyển được sớm như dự định. Đây là lý do mà lúc đầu văn phòng ở London dự tính sẽ đóng cửa vào mùa hè năm nay nhưng phải hoãn lại vì vẫn cần người hỗ trợ Bangkok trong lúc việc tuyển người tiếp diễn.

Thứ hai, BBC vẫn trong cơn khủng hoảng tài chính với thâm hụt ngân sách ở con số hàng trăm triệu bảng Anh mỗi năm. Có lúc họ từng giảm số ban ngôn ngữ từ trên 40 ban xuống còn 30 rồi sau này lại mở thêm các ban khác vì được Bộ Ngoại giao Anh cho thêm một khoản tiền hồi năm 2016.

Khả năng đóng hẳn BBC Tiếng Việt trong ngắn hạn là ít, phần vì sự kiểm duyệt hà khắc ở Việt Nam và phần vì ngân sách giờ cũng đã quá ít, phần tiết kiệm được nhờ cắt giảm không đáng kể. Nhưng không ai có thể khẳng định được gì về lâu dài. Trước đây BBC từng đóng cửa ban tiếng Thái Lan và chỉ mở lại sau khi có những biến động chính trị tại nước này.

Thứ ba, và có lẽ là quan trọng nhất, BBC Tiếng Việt đã mất nơi an toàn để hoạt động báo chí. Dù sao London cũng nằm xa tầm với của an ninh Việt Nam hơn nhiều so với Bangkok. Chúng ta chỉ cần quay lại vài tháng trước với vụ bắt cóc Thái Văn Đường từ Thái Lan về lại Việt Nam là có thể thấy. Khác với vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc từ Đức, cho tới nay Việt Nam chưa phải trả giá gì cho vụ bắt cóc Thái Văn Đường. Điều này không có nghĩa là an ninh Việt Nam sẽ bắt cóc nhân viên của BBC Tiếng Việt vì tập đoàn BBC và nước Anh sẽ vẫn lên tiếng bảo vệ nhân viên tới cùng. Nhưng rủi ro rất nhỏ đó vẫn còn.

Điều rắc rối khác là chính nước Anh về mặt luật pháp chỉ có thể bảo vệ cho công dân của họ một cách tối đa nhưng khó có thể can thiệp nhiều khi nhân viên là công dân của một nước khác. Nếu còn văn phòng ở London, các nhân viên của BBC sẽ được nhập quốc tịch Anh sau khi làm việc liên tục trong khoảng năm năm. Với việc chuyển sang Bangkok, điều này hiển nhiên không còn nữa. Như vậy về lý thuyết, BBC và Anh sẽ luôn cố bảo vệ nhân viên mang quốc tịch Việt Nam. Trên thực tế, những gì họ có thể làm trong tình huống xấu nhất là không nhiều.

Một trong những điều thông minh mà BBC có thể làm là tìm một người giỏi tiếng Việt và am hiểu Việt Nam nhưng không mang quốc tịch Việt Nam làm trưởng ban ở Bangkok. Trước đây người lãnh đạo văn phòng BBC ở Bangkok là chị Hà Giang, người mang quốc tịch Hoa Kỳ. Các nhân viên của BBC cũng cần được tuyển một nửa từ trong nước và nửa còn lại mang quốc tịch của các quốc gia phát triển.

Chuyện tuyển người từ các quốc gia phát triển sang Bangkok làm cho BBC Tiếng Việt là chuyện hoàn toàn có thể làm được. Chỉ có điều BBC chuyển sang Bangkok để cắt giảm chi tiêu, trước trả nhân viên 40-50.000 bảng Anh (một năm) ở London, giờ chỉ muốn trả chừng 20.000 đô hoặc ít hơn ở Bangkok. Chẳng có ai ở các nước thu nhập trung bình gấp đôi mức lương địa phương đó lại đầu quân cho BBC làm gì.

Vậy điều có thể thấy trước là đa số các nhân viên ở BBC Tiếng Việt sẽ là người Việt Nam và về mặt luật pháp Việt Nam có thể làm bất kỳ điều gì với công dân của mình. Điều này không có nghĩa là các nhân viên của BBC chắc chắn sẽ có sự tự kiểm duyệt nhất định nhưng có nhiều thứ khiến họ phải suy nghĩ khi làm việc hết mình cho BBC mà BBC có lẽ không hết mình với họ.

Từ kinh nghiệm cá nhân khi còn làm ở BBC, tôi chỉ đưa ra một ví dụ nhỏ. Khi tôi cùng anh Quốc Phương và chị Hạnh Ly ở BBC lập ra Bàn tròn thứ Năm cho BBC Tiếng Việt, an ninh Việt Nam chắc chắn không ưa. Nhân một lần có lãnh đạo BBC Tiếng Việt về Việt Nam, họ hẹn gặp và nói thẳng họ ghét Bàn tròn thứ Năm nhất. Khi về lại London, vị lãnh đạo đó lập tức đề nghị giảm thời lượng từ mỗi tuần xuống hai tuần một lần hay mỗi tháng. Đương nhiên nhóm làm chương trình chúng tôi phản đối và chương trình được giữ nguyên. Nhưng sau đó tôi cũng rời đi một phần vì thấy BBC Tiếng Việt ở London mà an ninh vẫn với tới. Anh Quốc Phương sau đó cũng gặp nhiều khó khăn và bị cản trở khi muốn làm thêm các dạng bàn tròn khác. Cuối cùng anh Quốc Phương cũng nghỉ, Hạnh Ly sang làm việc cho các ban khác và Bàn tròn thứ Năm nay không còn.

Sau chuyện có sức ép phải giảm thời lượng Bàn tròn thứ Năm, tôi cũng đã lên gặp người sếp cao nhất của BBC World Service để cho bà biết. Cùng với một vài vấn đề khác, bà đã yêu cầu có đợt kiểm tra nội dung của BBC Tiếng Việt. Một trong những kết luận mà bà đưa ra khi gặp cả ban cách đây vài năm là BBC Tiếng Việt “trốn đằng sau những người cộng tác” vì chỉ thấy tên người cộng tác viết cho BBC mà chẳng thấy tên phóng viên BBC đâu cả.

Tôi hy vọng BBC Tiếng Việt ở Bangkok sẽ còn phát triển hơn cả khi BBC còn hai văn phòng. Nhưng tôi chẳng có cơ sở nào cho hy vọng đó trong hiện tại.

Nguyễn Hùng

Nhà báo Nguyễn Hùng, từng là phát thanh viên, biên tập viên của chương trình BBC Tiếng Việt từ 2000 đến 2017.
Ông cũng từng là phó ban Việt ngữ BBC.

Chú thích: Những phần trong ngoặc là bổ sung của Thoibao.de cho rõ nghĩa, tránh hiểu lầm.