Link Video: https://youtu.be/QlcN4ZZYb94
Ngày 25/9, RFA Tiếng Việt có bài bình luận về vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, với tiêu đề “Trung thu, chị Hằng đi tù” của tác giả Lan Quyên.
Theo tác giả, bà Nguyễn Phương Hằng chính thức đi tù vào dịp trung thu Quý Mão (2023), sau khi bị tòa kết án.
Trong suốt nhiều tháng cao điểm live stream chửi người của bà Hằng, những người tung hô bà rất đông. Họ đã là những chiếc bơm cao áp không ngừng bơm thêm máu cho bà Hằng, theo tuyên bố của bà “Chơi khô máu, bơm máu chơi tiếp”.
Tác giả cho rằng, nếu chỉ dừng lại ở những việc bóc phốt kêu gọi tiền từ thiện cứu trợ dân miền Trung gặp lũ, rồi im ỉm ém nhẹm đi của nghệ sĩ Hoài Linh, hay lột mặt “thần y” Võ Hoàng Yên… thì đến tận giờ này, bà Hằng vẫn duy trì vị trí idol trong lòng rất nhiều người bình dân.
Tác giả cho hay, bà Hằng nổi lên từ vụ tố “thần y” Võ Hoàng Yên. Nhưng trước đó, bà Hằng và ông Dũng Lò vôi từng tham gia rất nhiều cuộc live stream tại chùa Long Hương (Đồng Nai).
Chùa này là nơi hành đạo của trụ trì Thích Tuệ Hải. Ông sư này nổi tiếng với hàng trăm livestream, tuyên bố, chỉ bằng gạo lức muối mè và tương đậu nành, ông có thể chữa hết sạch tất tật các bệnh hiểm nghèo.
Sư Hải kinh doanh nhờ vào chính vị trí trụ trì chùa của mình. Sư có công ty riêng chuyên chế biến và bán gạo lức, muối mè, tương dầu dấm… các loại, mà sư Hải nói là được chế biến theo công thức đặc biệt của sư. Để cho “người bệnh” khỏi hết mọi bệnh, thì mỗi lần mua, phải mất vài triệu cho đến vài chục triệu.
Tác giả nhận xét, dĩ nhiên, ăn gạo dầu dấm tương chẳng chữa được bệnh gì, nhưng cũng chẳng làm bệnh nặng thêm hoặc chết ngay được, nên con nhang đệ tử hết sức tin tưởng “ông thầy”.
Nhờ danh tiếng của ông Dũng Lò vôi, cộng với hiệu quả hoạt động Quỹ mổ tim Hằng Hữu, Phật tử rất tin tưởng bà Hằng, ông Dũng. Khi hai người này thường xuyên đến chùa phát live, thì niềm tin đó cũng được chuyển một phần lên sư Hải, giúp gia tăng số lượng người u mê tin dùng mua gạo lức muối mè chữa bá bệnh của sư.
Tác giả nhận định, bà Hằng không thể không biết sư Thích Tuệ Hải bán thực dưỡng lừa đảo, hệt như Võ Hoàng Yên.
Chính vì vậy, khi bà Hằng quay sang bóc phốt “thần y” Võ Hoàng Yên, thì có người ngỡ ngàng.
Nhưng, dù bắt nguồn từ nguyên nhân gì thì công của bà Hằng trong việc vạch mặt Hoài Linh và Võ Hoàng Yên là gần như tuyệt đối, không thể phủ nhận.
Tiếc thay, cú trượt dài của bà Hằng cũng bắt đầu từ những ngày tột đỉnh vinh quang này.
Tác giả đã chứng kiến quá trình ngáo mạng của một số người Việt Nam nổi tiếng trên mạng xã hội. Từ mong muốn ban đầu chỉ là chia sẻ kiến thức và góc nhìn của mình với xã hội, thế rồi lời khen đến, thậm chí có thể biến thành lời tâng bốc đến tận trời. Và bà Hằng đã chìm ngập trong những lời khen kiểu ấy. Dần dần, những người này bỗng khó chịu khi có ai đó không đồng ý hoặc chỉ trích mình. Hầu hết thời gian, họ chỉ quanh quẩn với cái “nhà” trên mạng của mình và “đếm likes”. Ai trái quan điểm thì họ block hết.
Tác giả bình luận, từ một phụ nữ ăn nói khá duyên dáng, hóm hỉnh và tỉnh táo, thì chỉ vài tháng sau, bà Hằng biến thành con mẹ mất gà. Chửi tuốt tuồn tuột bằng những lời lẽ chợ búa nhất, và say mê chửi đến nỗi quên mất chiếc áo doanh nhân mà trước đó bà hết sức tự hào.
Tại tòa, bà vẫn giữ thái độ tự tin đến mức kẻ cả, như bề trên, xem thường luật sư, phẫn nộ với lời buộc tội… Thế nhưng, sự cao ngạo, hay khẳng khái đó chẳng giữ được đến phút cuối. Khi tòa án vẫn kiên quyết tuyên án ba năm tù, bà như biến thành người khác. Bà hoảng loạn, bật khóc, cầu xin, kể công, năn nỉ và xin lỗi tất cả những ai liên quan, dù trước đó cao giọng nhất quyết không.
Tuy nhiên, theo quan điểm của thoibao.de, dù bà Hằng là người như thế nào, hành xử ra sao, thì bản án dành cho bà vẫn là một sự bất công và không đúng bản chất sự việc. Bởi Điều 331 là một điều luật mơ hồ, có thể chụp mũ bất kỳ ai. Thậm chí, vụ bà Nguyễn Phương Hằng có thể trở thành một tiền lệ để những kẻ có tiền, có quyền trả thù đối thủ của họ.
Tội của bà Hằng, nếu có, phải là vu khống, phỉ báng, sỉ nhục người khác.
Quang Minh
>>> Trung Quốc có thể khó chịu vì Việt Nam muốn mua vũ khí Mỹ
>>> Hỗn loạn và khó đoán định là văn hóa làm việc của VinFast
>>> Thứ mà Bộ Văn hóa thiếu nhất chính là văn hóa
>>> Chuyện nực cười về một “nhà nghiên cứu”
Nền kinh tế Việt Nam vẫn không có sự tự do sau 37 năm mở cửa