Ngày 21/9, ngày đầu tiên Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, với 5 bị can là bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam), Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân và Luật sư Đặng Anh Quân.
Đáng chú ý nhất là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và ca sĩ Thủy Tiên, là 2 người kiện bà Nguyễn Phương Hằng đòi bồi thường đến 73 tỷ đồng, vì những thiệt hại tinh thần và vật chất. Hai ca sĩ này được tòa triệu tập, tuy nhiên, trong phiên tòa này, chỉ có ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có mặt, còn ca sĩ Thủy Tiên thì ủy quyền cho luật sư làm việc với tòa.
Ban đầu, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đề nghị bà Hằng bồi thường thiệt hại vật chất số tiền hơn 40 tỷ đồng. Nhưng tại tòa, ông cho rằng, thiệt hại kinh tế có thể làm lại được, còn tổn thất tinh thần thì không thể. Do đó, ông chỉ yêu cầu bà Hằng xin lỗi trực tiếp ngay tại tòa. Tuy nhiên, đáp lại, bà Nguyễn Phương Hằng nói rằng, “một lời xin lỗi không phải là vấn đề, nhưng bản thân bà cảm thấy bị xúc phạm, bị tổn thương, thấy mình bị tấn công trước chứ không phải bị cáo đi kiếm chuyện”.
Về phía vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên – Công Vinh, thông qua luật sư cũng thay đổi yêu cầu, từ chỗ yêu cầu bồi thường hơn 30 tỷ đồng tổn hại vật chất, và 14 triệu đồng bù đắp tổn thất tinh thần, nay chỉ còn yêu cầu bồi thường 2,347 tỷ đồng tổn hại vật chất và 14 triệu đồng tổn thất tinh thần.
Như vậy, chỉ mới ngày xét xử đầu tiên thì ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã “xìu”, chứ không còn căng như trước đó, đòi bồi thường đến hơn 40 tỷ đồng. Ca sĩ Thủy Tiên cũng xìu tương tự.
Ra trước tòa với vai trò là người có nghĩa vụ liên quan, bà Đặng Thị Hàn Ni – nhà báo – có vẻ mạnh mẽ nhất. Bà này cho rằng, cáo trạng không đầy đủ và toàn diện. Bà tố cáo bị cáo Nguyễn Phương Hằng còn nhiều đồng phạm khác nữa, nhưng không bị đưa ra xét xử. Cụ thể là ông Huỳnh Uy Dũng đã tham gia livestream, nói ủng hộ vợ tới cùng.
Nhân vật chính gây ra hàng loạt vụ tố cáo của bà Nguyễn Phương Hằng là ông Võ Hoàng Yên lại đứng ngoài vòng lao lý, trong khi phiên tòa này đang diễn ra. Ông này lừa đảo đại chúng sự thật quá rõ ràng, nhưng lại chẳng hề hấn gì.
Ngoài ông Võ Hoàng Yên thì nghệ sĩ hài Hoài Linh cũng là một trường hợp làm nhiều người đặt câu hỏi. Vấn đề quyên góp tiền từ thiện rồi im của ông này, có thể truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng ông này cũng đứng ngoài vòng lao lý. Bà Nguyễn Phương Hằng cho rằng, nghệ sĩ Hoài Linh có mối quan hệ với ông Võ Hoàng Yên. Khi bà yêu cầu ông Hoài Linh cùng lên tiếng về hành vi lừa đảo của ông Yên, thì ông Hoài Linh lại im lặng.
Tại phiên tòa này, nhà báo Nguyễn Đức Hiển (tức Năm Mực) không có mặt tại tòa, mà thay vào đó là luật sư đại diện. Đại diện của ông Nguyễn Đức Hiển đề nghị tòa xác định lại tư cách tham gia tố tụng của ông Hiển là bị hại trong vụ án. Đồng thời đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên buộc các bị cáo công khai xin lỗi, cải chính những phát ngôn sai sự thật. Ngoài ra, đại diện của ông Hiển còn đề nghị Hội đồng Xét xử khởi tố vụ án về hai tội “làm nhục người khác” và “vu khống”, vì tại phiên tòa phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.
Phiên tòa kéo dài đến tối và không có yếu tố bất ngờ nào. Bà Nguyễn Phương Hằng bị kết án 3 năm tù giam, trong khi đó, bà đã bị tạm giam 18 tháng, nghĩa là, bà chỉ ở trong tù thêm 18 tháng nữa. Bà Hằng bị kết tội theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015, một điều luật rất mơ hồ giúp cơ quan tố tụng muốn diễn thế nào diễn.
Có người đặt câu hỏi, ranh giới giữa ngôn luận và “lạm dụng quyền tự do dân chủ” là gì? Gây thiệt hại như thế nào thì đến mức truy tố hình sự. Ở Việt Nam nói gì cũng được, nhưng không được nói nhà nước sai. Nói dân thì được nhưng nói quan chức thì bị trả thù, bởi họ có thể dùng luật pháp để trả thù riêng một cách dễ dàng.
Ý Nhi -Thoibao.de