Dư luận mạng xã hội Việt Nam đang tranh cãi sôi nổi về việc, vì sao, các đảng viên lãnh đạo cấp cao của Việt Nam hàng năm đều phải qua Trung Quốc dự lớp huấn luyện “đào tạo cán bộ nguồn” của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này cũng không thay đổi sau khi Hà Nội nâng cấp ngoại giao với Washington lên mức cao nhất.
Một tấm hình được truyền thông nhà nước loan tải ngày 26/9 cho thấy, Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Tiến Dũng, Bí thư Hà Nội, phát biểu bế mạc lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Lâu nay, vẫn có những lo ngại về việc, dưới thời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam tăng cường đưa sang Trung Quốc đào tạo các cán bộ cấp cao, hay cán bộ nguồn, nằm trong chương trình quy hoạch lãnh đạo chủ chốt cho bộ máy của Đảng và nhà nước trong tương lai.
Song, một điều đáng lo lắng, với bản chất “thâm như Tàu”, Trung Quốc là “bậc thầy” trong việc dụ dỗ, mua chuộc, gài bẫy… những người mà họ nhắm đến, kể cả việc lung lạc, đe dọa, khiến những người này bị thu phục, và chấp nhận làm việc cho họ.
Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA, từng bị gam chung với những người làm gián điệp cho Trung Quốc, tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội cho biết: “Từ năm 1993 đã có các đoàn cán bộ Việt Nam sang Trung Quốc học tập mô hình “Chủ nghĩa Xã hội mang mầu sắc Trung Quốc”. Mỗi đoàn khoảng 20 đến 30 người, từ các ngành như quân đội, công an, hành chính, y tế, giáo dục, đặc biệt là hải quan, v.v.. Tại các khóa học này, người của Cục Tình báo Hoa Nam dưới những vỏ bọc khác nhau sẽ tham gia đào tạo họ. Chương trình đi học tập này do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức. Khi về nước, thông qua bàn tay chỉ đạo của Bắc Kinh, họ sẽ được đề bạt vào các chức vụ, rồi dần dần vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Đây là một hình thức cài cắm người của Tình báo Hoa Nam.”
Nhà văn Phạm Viết Đào, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, từng tu nghiệp chuyên ngành văn chương tại Romania, từng là một cán bộ Bộ Văn hóa và sau đó là Thanh tra của Bộ này cho tới năm 2007. Đầu năm 2013, ông Đào nhận bản án 15 tháng tù vì tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự.
Ông Phạm Viết Đào đã viết trên trang Facebook cá nhân, cho biết, trong thời gian ở tù, ông đã ở chung với nhiều người Việt Nam bị tù với tội danh hoạt động gián điệp cho Trung Quốc. Nhà văn Phạm Viết Đào còn tiết lộ, ông từng bị giam chung với em trai ông Nguyễn Xuân Phúc và cháu ông Trần Đại Quang.
Theo ông Phạm Viết Đào, thành phần người Việt làm gián điệp cho Trung Quốc rất đa dạng. Có người là bộ đội biên phòng, có người làm trong ngành hải quan, có người là gián điệp của Việt Nam đánh sang Trung Quốc nhưng bị phát hiện, rồi quay sang làm gián điệp cho địch v.v.. Đặc biệt nhất trong số tù nhân này có ông Phạm Minh Đức, sinh năm 1957, quê quán Hà Nội, từng là Phó ban Tổ chức Trung ương Đảng. Nhờ có sự can thiệp của Bắc Kinh, ông Đức chỉ phải nhận bản án có 5 năm tù, dù ông thuộc đối tượng “gián điệp loại 1”.
Câu chuyện thứ hai, ông Phạm Viết Đào cho hay, theo lời kể của một bạn tù bị bắt về kinh doanh hóa đơn VAT, thì ở Hà Nội, song song tồn tại 2 Bộ Tài chính cung cấp hóa đơn đỏ – VAT, một ở số 9 Phan Huy Chú và “Bộ Tài chính” thứ 2 nằm ở chợ trời… Chính vì vụ việc này mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã bị kỷ luật. Nhưng không hiểu vì lý do gì, sau Đại hội 13, ông Dũng vẫn lên chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Được biết, vụ hóa đơn VAT chợ trời có liên quan tới Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an Hải Phòng.
Những câu chuyện vừa kể, với các nhân chứng là những người trong cuộc, từng có địa vị xã hội, cho thấy, việc ông Nguyễn Phú Trọng và Ban lãnh đạo Việt Nam đem cán bộ cao cấp thuộc diện cán bộ nguồn cho Bắc Kinh đào tạo – mà thực chất là giao cho Tình báo Hoa Nam huấn luyện – được ví như chủ động mang “mỡ đi nộp cho mèo”. Đây là một việc làm hết sức nguy hại cho đất nước.
Thử hỏi, Trung Quốc sẽ dạy cho lớp cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam trong tương lai câu hỏi, “Hoàng Sa, Trường Sa cũng như 90% Biển Đông là của ai?” Chắc chắn, hỏi cũng là câu trả lời./.
Trà My – Thoibao.de