Ở Việt Nam hiện nay, ra ngõ là gặp tiến sĩ, là một nhận xét không hề ngoa ngôn. Khác với các quốc gia phát triển, để có được bằng tiến sĩ, ứng viên phải có kiến thức uyên bác và phải thực hiện được một công trình nghiên cứu có giá trị về lĩnh vực của mình. Không như ở bậc đại học, kiến thức có thể tìm thấy trong các giáo trình, các tài liệu nghiên cứu hay trong các tập san khoa học.
Tính tới năm 2016, theo số liệu thống kê của nhà nước, Việt Nam có hơn 24.000 tiến sĩ. Bộ Giáo dục cho biết, trong đó, số tiến sĩ làm việc trong lĩnh vực giảng dạy vào khoảng 15.000 người. Theo Bộ Khoa học Công nghệ, so với năm 1996, đội ngũ tiến sĩ tăng với tốc độ 7%/năm.
Vậy, ngoài 15.000 tiến sĩ tham gia giảng dạy đại học, số tiến sĩ còn lại vào khoảng 9.000 người, họ là ai và đang làm việc ở những đâu?
Chuyện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Liên Xô học sau đại học (1981 – 1983), rồi “ảo thuật” hô biến thành bằng Tiến sĩ Lý luận Chủ nghĩa Marx-Lenin, cũng là chuyện dùng bằng Tiến sĩ dỏm mà ít người biết.
Được biết, rất nhiều quan chức Việt Nam làm công tác quản lý, hay kể cả lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, trên danh thiếp hầu hết đều ghi kèm chữ TS – GS (Tiến sĩ – Giáo sư).
Theo Phó tổng Thư ký Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Phạm Bích San, cho biết: “Số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á, nhưng không có trường đại học Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu thế giới”. Và nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản.
Song việc có rất nhiều người là tiến sĩ, nhưng trình độ không tương đồng với học vị, có thể khẳng định, hầu hết các tiến sĩ là các quan chức hay doanh nhân, đều là loại tiến sĩ dỏm.
Theo VietnamNet, tình trạng không ít lãnh đạo, quan chức nhà nước dùng tiền để mua các văn bằng tiến sĩ như của Đại học Nam Thái Bình Dương, trường nằm trong danh sách 21 trường đại học hoạt động tại Việt Nam, nhưng không được công nhận tại Hoa Kỳ.
Dư luận tỉnh Phú Thọ năm 2010 từng xôn xao, khi biết, ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, cũng có học vị tiến sĩ. Trước đó, ông Ân chỉ có bằng cử nhân tại chức kinh tế của Đại học Kinh tế Quốc dân – khóa đào tạo được tổ chức theo hình thức đóng tiền cho trường mở tại thành phố Việt Trì.
Dù không biết tiếng Anh, nhưng ông Ân đã bỏ ra gần 20.000 USD, để mua tấm bằng Tiến sĩ dỏm của trường Đại học Nam Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Một “Tiến sĩ” khác là ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, cũng lấy bằng Tiến sĩ Đại học Nam Thái Bình Dương chỉ trong 6 tháng, với giá 17.000 USD.
Vẫn theo VietnamNet, một câu chuyện đình đám trước đây, liên quan đến “Tiến sĩ” tử tù Dương Chí Dũng cũng tương tự như vậy. Được biết, sau khi tốt nghiệp phổ thông những năm cuối thập niên 1980, Dương Chí Dũng đi xuất khẩu lao động ở Cộng hòa Dân chủ Đức (tức Đông Đức cũ). Đến năm 1994, ông Dũng về Việt Nam, vào làm công nhân ở Liên hiệp các Xí nghiệp nạo vét đường sông. Trong thời gian này, Dương Chí Dũng đi học lớp tại chức của Đại học Hàng Hải, tiếp đó học lấy bằng thạc sĩ, rồi không hiểu bằng cách nào, ông Dũng có bằng Tiến sĩ Kinh doanh Thương mại. Nhờ đó, Dương Chí Dũng được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco), cuối cùng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines. Hậu quả mà vị “Tiến sĩ” tử tù này gây ra, làm thiệt hại đến hàng ngàn tỷ, hẳn ai cũng đã rõ.
Năm 1998, học vị Phó Tiến sĩ ở Đông Âu được Việt Nam chuyển đổi thành học vị Tiến sĩ khoa học. Ông Nguyễn Phú Trọng, giai đoạn 1981 – 1983, sang Liên Xô nghiên cứu sinh thạc sĩ (học sau đại học). Bỗng nhiên, vào một buổi sáng đẹp trời, trở thành Tiến sĩ Lý luận Chủ nghĩa Marx-Lenin, sự thật là như thế.
Việc ông Trọng đánh giá “giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ”, là một câu nói có giá trị tương tự như câu “nhìn tổng quát, nước ta có bao giờ được như bây giờ không?”, vì lý do như vậy. Và tại sao đất nước và dân tộc Việt cứ mãi ngập chìm trong nghèo đói, nhược tiểu và nô dịch, cũng là vì như thế./.
Trà My – Thoibao.de