,Thà giao giang sơn vào tay giặc còn hơn để nhân dân làm chủ, là hành động xuyên suốt của Đảng Cộng sản. Tâm lý sợ mất Đảng thái quá đã khiến cho các đời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Vì bảo vệ vị trí cai trị của Đảng, mà Đảng Cộng sản đã quyết định kết nối với Trung Quốc qua Hội nghị Thành Đô 1990. Kể từ đó, chính trị Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Kết quả là Hiệp định Biên giới Việt Trung ký năm 1999 và Hiệp định Phân định Vịnh Bắc bộ ký năm một năm sau đó, Đảng Cộng sản đã xóa bỏ đường biên giới từ ngàn xưa, để vẽ lại đường biên giới mới theo ý Bắc Kinh.
Hầu hết quan hệ Việt Nam với các nước khác là quan hệ cấp nhà nước. Tuy nhiên, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là ngoại giao giữa 2 Đảng, vì vậy mới có những quyết định bất lợi cho đất nước. Bởi ngoại giao giữa 2 nhà nước là việc công, còn ngoại giao giữa 2 Đảng được xem như việc tư (việc riêng của Đảng). Trên danh nghĩa, nhà nước chịu một phần “giám sát” từ nhân dân, nhưng giữa 2 Đảng thì dân không có dự phần, nên hai ông Tổng Bí thư muốn “bán buôn” hay “ngã giá” gì, thì toàn dân không có quyền được biết. Đấy là cái nguy hiểm của lối ngoại giao giữa 2 Đảng.
Ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, thì ông Nguyễn Phú Trọng đã tiếp ông Lưu Kiến Siêu – Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã là điều bất thường. Điều này cho thấy, có vẻ như Việt Nam không thể tự quyết trong việc tiếp đón Mỹ, mà phải được phương Bắc “cấp phép”.
Ngay sau chuyến thăm Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, là một loạt quan chức trong Bộ Chính trị phải đi Tàu. Đầu tiên là ông Tô Lâm sang Trung Quốc ngày 13/9; tiếp theo là ông Phạm Minh Chính vào ngày 16/9; và ngày 25/9, ông Đinh Tiến Dũng – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng sang Trung Quốc. Việc các quan chức tới tấp “thăm” Trung Quốc trong một khoảng thời gian ngắn, là một hiện tượng bất thường, cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam không có sự độc lập trong mối quan hệ của mình.
Ngày 12/1/2017, ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc và ký 15 văn kiện giữa 2 Đảng. Đáng chú ý là có văn kiện “Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Được biết, chuyến đi của ông Đinh Tiến Dũng là sang dự bế giảng lớp đào tạo cho 20 “cán bộ nguồn” của Hà Nội. Lớp này là nhân sự dự trù cho nhiệm kỳ 2025 – 2030, họ được đào tạo tại Đại học Bách khoa Hoa Nam, từ ngày 19 đến ngày 26/9.
Ngày 15/2/2022, trên Tạp chí Cộng sản có bài viết “Trao đổi kinh nghiệm, hợp tác lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc trong bối cảnh mới”. Bài viết này cho biết, “Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2017 – 2020, với việc Việt Nam cử 300 cán bộ cấp cao sang Trung Quốc đào tạo”. Đây chính là chính sách hiện thực hóa những gì ông Nguyễn Phú Trọng đã ký với ông Tập Cận Bình vào chuyến thăm Bắc Kinh năm 2017.
Khi “cán bộ nguồn” được trao cho Trung Cộng nhào nặn, thì xem như, ông Nguyễn Phú Trọng bưng nguyên Đảng Cộng sản dâng cho “bạn vàng”. Qua bên đấy thì học được gì ngoài việc học làm “bề tôi”? Đây là một quyết định rất nguy hiểm cho đất nước của ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Việc xích lại gần Mỹ chỉ là tấm màn che đậy cho những gì mà Đảng Cộng sản đang làm. Họ nâng cấp quan hệ với Mỹ lên thành đối tác chiến lược toàn diện, để dân ngất ngây trong “mộng mơ”. Trong khi đó, sau lưng, Đảng trao “cán bộ nguồn” của Đảng vào tay Tập, để Tập đào tạo trở thành lớp “bề tôi” của Tập. Lớp này sẽ nắm đầu dân Việt theo ý của quan thầy. Xem ra, Việt Nam rất khó thoát Tàu, nếu Đảng Cộng sản còn cai trị.
Ý Nhi – Thoibao.de