Khi chiến tranh Ukraine nổ ra, vũ khí của Nga đã cho cả thế giới thấy, nó lạc hậu như thế nào. Sa lầy vào cuộc chiến này, ngành công nghiệp quốc phòng Nga còn không đủ cung cấp cho quân đội Nga, thì lấy đâu ra hàng để xuất khẩu? Và tất nhiên, bạn hàng của Nga sẽ tìm nguồn cung cấp khác là điều dễ hiểu.
Trong chuyến đi Mỹ từ ngày 16 đến ngày 23/9 của ông Phạm Minh Chính, báo chí nước ngoài cho biết, chính quyền của Tổng thống Biden đang có các cuộc đàm phán với Việt Nam, về một thỏa thuận chuyển giao vũ khí lớn nhất trong lịch sử giữa hai cựu thù. Gói vũ khí có thể sẽ được chuyển giao trong năm tới, bao gồm việc mua bán các chiến đấu cơ F-16.
Sau khi truyền thông quốc tế đưa tin trên, thì tờ Hoàn Cầu Thời Báo – một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã tung ngay bài viết “Mỹ cung cấp tiêm kích F-16 cho Việt Nam là “phá hoại hòa bình, ổn định’”. Bài báo dẫn lời ông Wei Dongxu, một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, nói rằng “bằng cách cung cấp máy bay chiến đấu F-16, có thể đã qua sử dụng, cho Việt Nam và tăng cường quan hệ quốc phòng, Mỹ nhằm mục đích giành được một chỗ đứng khác trong khu vực, thông qua việc bổ sung các ràng buộc chính trị, như yêu cầu sử dụng các căn cứ không quân và hải quân của Việt Nam. Tận dụng chỗ đứng mới này, quân đội Mỹ có thể gây thêm rắc rối ở Biển Đông, để xây dựng vòng vây quân sự và kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng, Việt Nam có thể cân nhắc ưu và nhược điểm một cách độc lập và tránh rơi vào cái bẫy khiến nước này trở thành con tốt của Mỹ”.
Ông Wei còn cho biết thêm, “Việt Nam mua máy bay chiến đấu của Mỹ, Việt Nam có thể bị Mỹ kiểm soát về các chính sách quốc phòng, cũng như hoạt động quân sự của Việt Nam có thể trở nên phụ thuộc vào các quyết định của Mỹ. Việt Nam khó có thể chấp nhận được điều này”.
Có thể nói, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ mới ve vãn loại chiến đấu cơ F-16 của Mỹ, nhưng Trung Quốc đã vội vã lên tiếng. Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam mà tiến tới một bước nữa với Mỹ, thì Bắc Kinh sẽ “nổi đóa” thực sự. Việc Bắc Kinh lên tiếng cho thấy hai điều, thứ nhất là máy bay F-16 của Mỹ phải tốt hơn các loại Su của Nga, nên Trung Quốc mới tỏ ra khó chịu như vậy. Và thứ nhì là, Trung Quốc không muốn quân sự Việt Nam mạnh lên. Vì khi Việt Nam mạnh lên, thì Bắc Kinh sợ Việt Nam sẽ vuột khỏi tầm kiểm soát của họ.
Chính vì sợ mất Đảng mà Nguyễn Văn Linh – Đỗ Mười – Phạm Văn Đồng đã đưa Việt Nam chui vào nanh vuốt của Bắc Kinh, bằng việc ký kết Hội nghị Thành Đô đầy ô nhục. Mà một khi đã rơi vào nanh vuốt con mãnh thú, muốn thoát ra, chắc chắn sẽ khiến con mãnh thú này lồng lộn lên. Tuy nhiên, liệu Đảng Cộng sản Việt Nam có can đảm để tách ra khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc hay không thì lại là một chuyện khác. Với thái độ chấp nhận giao 300 cán bộ cao cấp của Đảng cho Trung Quốc dạy dỗ, là một tín hiệu xấu. Sự thuần phục đã hiện rõ mồn một, bảo ông Tổng Bí thư dám “ăn gan hùm”, tách mình ra khỏi ông “bạn vàng”, quả là không dễ.
Thực ra, năm 2015, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama đã ký sắc lệnh bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Đây là một tín hiệu rõ ràng, Mỹ muốn Việt Nam mua vũ khí Mỹ để tách khỏi quỹ đạo của Nga Tàu. Và sau đó đã có cuộc ngã giá mua bán vũ khí, nhưng đổ vỡ. Năm 2017, tờ The Shephard Media chuyên về quốc phòng của Anh Quốc cho biết, thỏa thuận đổ vỡ do phía Việt Nam đặt điều kiện nâng khống hợp đồng để “lại quả” cho quan chức Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có tin không chính thức cho biết, phía Việt Nam cũng không mặn mà gì với việc mua vũ khí sát thương của Mỹ, vì sợ mất lòng Trung Quốc.
Nay ông Trọng đã gần đất xa trời, ông cũng nên “liều mạng già”, tách Đảng của ông rời khỏi quỹ đạo của Trung Quốc xem sao? Nếu Bắc Kinh có cho ông về gặp Mác – Lê – Hồ, thì ông cũng chẳng lỗ lã gì, bởi ông có khom lưng cúi đầu trước Tập, thì ông cũng chẳng sống thêm được bao lâu nữa đâu? Sao không làm một lần để lưu danh?
Ý Nhi – Thoibao.de