Link Video: https://youtu.be/eLb_eJCWaX4
Ngày 29/9, RFA Tiếng Việt có bài “Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc lên tiếng về việc bỏ tù bà Hoàng Thị Minh Hồng”.
Theo đó, Hoa Kỳ bày tỏ quan quan ngại sâu sắc trước việc kết án và tuyên án ba năm tù giam đối với nhà hoạt động môi trường nổi tiếng và lãnh đạo tổ chức phi chính phủ Hoàng Thị Minh Hồng, không lâu sau chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Hà Nội.
Tuyên bố được ông Matthew Miller – Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hôm 28/9, sau khi Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kết tội “trốn thuế 6,7 tỷ đồng” đối với bà Hồng, với bản án ba năm tù giam cùng hình phạt bổ sung 100 triệu đồng.
RFA dẫn lời ông Miller cho rằng, các nhà lãnh đạo tổ chức phi chính phủ như bà Hồng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu, đề xuất các giải pháp bền vững trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng hoảng khí hậu và chống buôn bán gỗ và động vật hoang dã.
RFA cho biết, bà Hồng, 51 tuổi, là sáng lập viên và Giám đốc của Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), một tổ chức phi lợi nhuận, truyền cảm hứng cho cộng đồng bảo vệ thiên nhiên môi trường, động vật hoang dã, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh:
“Chúng tôi cũng kêu gọi Việt Nam đảm bảo các hành động của mình phù hợp với các quy định về nhân quyền trong Hiến pháp Việt Nam và các cam kết quốc tế, bao gồm việc tham vấn với các bên liên quan phi chính phủ như một phần của Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng.”
Theo RFA, những tổ chức nhân quyền quốc tế cũng lên án việc kết án tù bà Hoàng Thị Minh Hồng ngay sau phiên toà, cho đây là hành động sử dụng điều luật trốn thuế mới nhất của Chính phủ để kết án tù những nhà hoạt động môi trường.
Trước bà Hồng, đã có bốn nhà hoạt động môi trường khác bị kết án tù với cùng tội danh.
RFA dẫn quan điểm của Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 29/9, cho rằng, các cáo buộc và phiên tòa đối với bà Hồng đều gây ra những quan ngại sâu sắc.
Người phát ngôn của Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Jeremy Laurence, trong thông cáo báo chí cũng đề cập đến việc kết án tù bốn nhà hoạt động môi trường, kể từ năm 2021 đến nay tại Việt Nam.
Việc kết án tù năm nhà hoạt động môi trường này, được Liên Hiệp Quốc nhận định là “một sự đàn áp rộng khắp hơn đối với những người bảo vệ quyền về môi trường và không gian dân sự tại Việt Nam.”
RFA đề cập đến việc nhà hoạt động môi trường thứ sáu tại Việt Nam bị bắt giữ là bà Ngô Thị Tố Nhiên – Giám đốc điều hành Tổ chức Sáng kiến về chuyển đổi năng lượng Việt Nam (VIETSE) hôm 15/9. Đến nay, chính quyền Việt Nam vẫn chưa đưa ra thông tin gì trường hợp này.
Liên Hiệp Quốc lưu ý, việc bắt giữ và kết án tù các nhà hoạt động môi trường diễn ra vào lúc Việt Nam đang thực hiện thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng với các nước công nghiệp phát triển.
“Chúng tôi nhấn mạnh lại rằng, để thực hiện mục tiêu có sự chuyển đổi năng lượng xanh bền vững và công bằng, những người bảo vệ nhân quyền và các tổ chức về môi trường cần được tham gia một cách tự do và tích cực vào việc đưa ra quyết định và các chính sách về môi trường, định hình khí hậu” – thông cáo báo chí của Liên Hiệp Quốc viết.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho tất cả các trường hợp bị bắt giữ vì thực hiện các quyền tự do cơ bản.
“Chúng tôi cũng xin nhắc chính quyền về các nghĩa vụ của họ, theo luật quốc tế phải tuân thủ pháp quyền, quyền có được một phiên tòa công bằng và đảm bảo tư pháp độc lập.” – Liên Hiệp Quốc khẳng định.
Quang Minh
>>> Cổ phiếu VFS lao dốc, kết thúc một giấc mơ hoang đường
>>> Lạm thu trong trường học dưới vỏ bọc “tự nguyện” – một gánh nặng cho phụ huynh học sinh
>>> Tòa án Việt Nam bất chấp oan sai vì sợ thiếu người làm việc?
Tập Cận Bình tranh phần phát biểu của Thủ tướng Lý Cường, có phải là một dấu hiệu xấu cho ông Lý?