Link Video: https://youtu.be/400qxyo63y0
Ngày 27/9, RFI Tiếng Việt có bài phỏng vấn ông Pierre Andrieu, nguyên Đại sứ Pháp tại Tajikistan và Moldova, nhận định về mối quan hệ Nga – Trung, với tựa đề “Nga – Trung thực sự là những đồng minh giả tạo”.
Ông Pierre Andrieu cho rằng, quan hệ Nga – Trung thực sự đang là chủ đề được quan tâm hàng đầu hiện nay. Có nhiều yếu tố liên kết giữa hai quốc gia này: đường biên giới chung dài; tầm quan trọng của trao đổi kinh tế Nga – Trung; sự đoàn kết về mặt ý thức hệ và chính trị giữa hai nhà lãnh đạo…
Trên thực tế, mối quan hệ Nga – Trung ngày nay không phải là một liên minh chiến lược, mà chỉ là một “trục hữu dụng” như nhà nghiên cứu người Úc gốc Trung Quốc Bobo Lo đã từng đề cập đến.
Theo ông Pierre Andrieu, mối quan hệ Nga – Trung mang dấu ấn lịch sử biến động, vì Nga từng sáp nhập gần 2 triệu km2 lãnh thổ Trung Quốc vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Do đó, mối quan hệ này bị chi phối bởi một sự ngờ vực rất lớn.
Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm, vốn thực dụng và ưu tiên phát triển kinh tế, đã đặt vấn đề lãnh thổ xuống hàng “thứ yếu”. Tập Cận Bình đang bận tâm với “mặt trận phía Nam”, quá cần đồng minh Nga vào thời điểm này, nhưng Bắc Kinh vẫn thường “nhắc khéo” Moscow, để chứng tỏ rằng, Trung Quốc không quên những vụ chiếm đoạt lịch sử này.
Ông Pierre Andrieu nhận định, nước Nga trải dài trên hai châu lục và luôn hướng về cả châu Âu lẫn châu Á. Xu hướng hướng về châu Á được thúc đẩy bởi sự thù địch của châu Âu đối với Putin và chính sách trừng phạt của phương Tây, đặc biệt kể từ khi Kremlin chiếm bán đảo Crimée vào năm 2014. Trung Quốc nhận thức được tình hình này và có xu hướng áp đặt ngày càng nhiều điều kiện đối với Nga.
Ông Pierre Andrieu nhận xét, Trung Quốc lựa chiều, vừa bảo vệ lợi ích của mình vừa tôn trọng niềm tự hào của Nga ở “sân sau”. Trung Quốc đã lập ra các cơ sở quân sự ở Tajikistan và Kyrgyzstan, các quốc gia giáp Afghanistan và Tân Cương, nhưng những hành động này dường như luôn được Moscow bật đèn xanh.
Ông Pierre Andrieu đánh giá, Trung Quốc rất ngạc nhiên trước những thất bại không nhỏ của quân đội Nga ở Ukraine. Bắc Kinh vốn có quan hệ kinh tế tốt với Ukraine và đã mất đi một đối tác quan trọng sau khi nước này bị
Nga xâm lược. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không ngần ngại đứng về phía Matxcơva vì những lý do nêu trên. Trung Quốc không muốn chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của Nga, điều này sẽ tước đi một đồng minh quan trọng của Bắc Kinh, và cũng không muốn chứng kiến một chiến thắng áp đảo của Nga, bởi điều này sẽ củng cố vị thế của Moscow đối với Bắc Kinh. Một nước Nga suy yếu là điều mà Trung Quốc mong chờ.
Ông Pierre Andrieu cũng cho rằng, dường như Trung Quốc không cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, mặc dù một số linh kiện vẫn được đưa tới Moscow từ Hồng Kông hoặc Thâm Quyến. Trung Quốc sợ phải hứng chịu các lệnh trừng phạt thêm của Mỹ.
Ông Pierre Andrieu nghĩ rằng, Trung Quốc và Nga thực sự là những đồng minh giả tạo. Họ có những suy nghĩ rất khác nhau. Nga sẽ không trở thành một đất nước theo Nho giáo! Cả hai đều căm ghét phương Tây, nhưng Trung Quốc lại muốn giữ các thị trường của mình (ở phương Tây). Họ cần một hậu phương ít nhiều ổn định là Nga và lo sợ sự sụp đổ của Moscow, vì Bắc Kinh không muốn thấy vô số các thực thể vệ tinh có vũ khí hạt nhân ở biên giới của mình. Do đó, Trung Quốc muốn giúp chế độ Nga “ngoi đầu khỏi mặt nước” và chỉ ở mức này thôi. Bắc Kinh sẽ không ủng hộ chủ nghĩa cực đoan của Putin, không muốn đưa thế giới đến bờ vực thảm họa, chỉ vì bảo toàn quyền lực của mình. Nga là một quốc gia ảo tưởng, còn Trung Quốc thì thực dụng.
Xuân Hưng
>>> Công nhân Công ty Viet Glory đình công kéo dài
>>> Việt Nam cần đoạn tuyệt mô hình kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa
Vụ bắn bị thương hai nữ lao công: Nghi phạm đã bị bắt