Link Video: https://youtu.be/EpTaVgSWvKM
Ngày 2/10, RFI Tiếng Việt có bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, Giảng viên Trường Sư phạm Lyon, Pháp, với tựa đề “Biển Đông: Việt Nam có chịu “nhượng” chủ quyền để cùng Philippines chống Trung Quốc?”
Theo đó, Philippines muốn đạt được một thỏa thuận với Việt Nam, nhằm tăng cường hợp tác hàng hải ở Biển Đông. Mục tiêu sâu xa là đoàn kết để đối phó với đối thủ mạnh hơn là Trung Quốc.
Ông Laurent Gédéon nhận xét, Việt Nam và Philippines cùng đòi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, nhưng với quy mô khác nhau. Tình trạng này tạo ra sự chồng chéo về tham vọng của Hà Nội và Manila. Và các yêu sách chồng chéo này tạo ra sự cạnh tranh giữa hai nước.
Ông Laurent Gédéon phân tích, phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ngày 12/07/2016 chú ý đến hai điểm rất quan trọng.
Thứ nhất, Tòa nhấn mạnh đến tính vô hiệu các quyền lịch sử, vì chúng không phù hợp với các vùng đặc quyền kinh tế, được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Điều này đã vô hiệu hóa về mặt pháp lý “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh.
Điểm quan trọng thứ hai là không công nhận các đá ngầm là đảo. Điều này áp dụng đối với cả trường hợp Trung Quốc đã bồi đắp để một số thực thể ngầm nổi lên mặt nước. Chỉ tình trạng tự nhiên ban đầu mới có giá trị về luật.
Tuy nhiên, ông Laurent Gédéon cho rằng, phán quyết của Tòa lại đặt ra vài vấn đề cho Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam công nhận tính hợp lệ của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), và tuyên bố quyền kiểm soát các vùng đặc quyền kinh tế của mình. Hệ quả là, Việt Nam khó có thể phản đối Manila kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế của họ, bao gồm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Khó khăn thứ hai là việc các đảo không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế. Điều này sẽ hạn chế khả năng tận dụng lợi thế của Việt Nam.
Khó khăn thứ ba liên quan đến tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa. Vì lập luận của Việt Nam dựa trên những bằng chứng lịch sử, nên giả sử Hà Nội viện đến Tòa Trọng tài Thường trực, thì Tòa cũng sẽ không ra phán quyết có lợi cho Việt Nam.
Ông Laurent Gédéon đánh giá, nếu bám vào khuôn khổ pháp lý, thì Việt Nam khó có thể bỏ qua đàm phán với Philippines. Nếu các cuộc đàm phán như vậy diễn ra một ngày nào đó, rất có khả năng là chúng sẽ dẫn đến việc chia sẻ các vùng chủ quyền.
Ngoài ra, từ vài năm nay, căng thẳng gia tăng thường xuyên ở khu vực Đài Loan. Đến lúc nào đó, tình hình này có thể sẽ dẫn tới xung đột. Lúc đó, có khả năng sẽ khiến Trung Quốc yếu đi, và Philippines có thể được lợi từ việc sát cánh với Hoa Kỳ. Do đó, có thể thấy, lợi ích của một thỏa thuận sớm giữa Philippines và Việt Nam, vì nếu không, vị thế cùng lợi ích của Việt Nam có thể bị suy yếu.
Tuy nhiên, ông Laurent Gédéon cho rằng, khó có thể giữ bí mật về một thỏa thuận như vậy. Nếu có, chính quyền Việt Nam cần giải thích cho người dân về lợi ích của thỏa thuận này.
Ông Laurent Gédéon cho biết, từ nhiều năm nay, Hoa Kỳ tìm cách tập hợp các nước trong vùng phản đối những yêu sách hàng hải của Bắc Kinh, trong một cấu trúc an ninh do Washington điều hành. Nhưng Hà Nội vẫn không muốn tham gia một cơ chế như vậy. Trên bình diện địa – chính trị, hoàn toàn có thể tự hỏi, Hà Nội sẽ được gì khi xích lại gần với Hoa Kỳ trong trường hợp Mỹ – Trung xảy ra xung đột.
Tuy nhiên, điều chắc chắn là, căn cứ lập trường của Bắc Kinh về Biển Đông và chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ, Việt Nam có lẽ không có cơ hội giành lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, và sẽ rơi vào thế yếu trước Philippines về Trường Sa, nếu như không có đàm phán trước với Manila hoặc xích lại gần với Washington.
Ý Nhi
>>> Công nhân Công ty Viet Glory đình công kéo dài
>>> Việt Nam cần đoạn tuyệt mô hình kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa
Quan hệ Nga – Trung là quan hệ đồng minh giả tạo