Đã nhiều năm qua, ngành công an vẫn vắt óc suy nghĩ để tạo ra những vở kịch truyền thông, về những tấm gương giả tạo của công an. Theo luật tự nhiên, khi người ta thiếu thứ gì, thì sẽ khao khát thứ đó. Công an Việt Nam phải đi ăn mày những hình ảnh giả tạo về một thứ lòng tốt của lực công an, thì điều đó chứng tỏ, ngành công an đang thiếu lòng tốt và sự tử tế.
Mỗi khi truyền thông rầm rộ tung ra hình ảnh công an giúp người già qua đường, giúp nông dân gặt lúa, giúp học sinh đi thi đúng giờ… thì đấy cũng là lúc, họ cảm nhận bị dân khinh ghét. Mà người dân thì rất công bằng, ai bảo vệ dân thì dân thương, còn ai là hung thần đối với nhân dân thì dân ghét. Chỉ đơn giản là như vậy.
Hồi năm 2016, trong chương trình SV 2016, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đưa ra câu trả lời là “Con sâu gặm tiền”, đối với cụm từ viết tắt “CSGT”, cho một tình huống nói về tham nhũng. Cách ví von này khiến cả xã hội tán thưởng, vì nó quá đúng. Tuy nhiên, ngành công an bị nhột và họ cũng đã có nhiều bài phản đối trên truyền thông, bởi ai cũng biết, cụm từ CSGT là viết tắt của “Cảnh sát Giao thông”.
Ông Nguyễn Phú Trọng từng có câu nói nổi tiếng rằng, “ta phải như thế nào thì người ta mới như thế chứ”. Rõ ràng, lực lượng Cảnh sát Giao thông phải thế nào, thì sinh viên mới ví von như thế.
Ngày 8/10, báo VOV có bài viết với nội dung “Kích động chia rẽ lực lượng công an với dân, với Đảng, là hành vi thâm độc”. Bài viết này quy kết “thế lực thù địch” gây chia rẽ lực lượng công an với dân và với Đảng.
Nếu công an không giết người bừa bãi tại đồn, thì ai có thể chia rẽ được dân với công an? Nếu công an không bắt người cẩu thả, rồi đi mua vật chứng ngoài chợ về để ép bị can vào tội tử hình, thì dân nào lại đi ghét công an? Có cảnh sát giao thông một nước văn minh nào mà lại lập trạm, lập chốt, bắt dân phải hối lộ như công an Việt Nam? Có công an nước nào lại đi trả thù dân, vì dám “nói xấu” công an trên mạng xã hội?
Công an là thanh kiếm bảo vệ Đảng. Nếu Đảng tử tế với dân, thì làm sao Công an lại dám xem dân như cỏ rác? Cho nên, thế giới văn minh gọi chế độ Cộng sản Việt Nam là chế độ “Công an trị” hay “Nhà nước Cảnh sát”.
Bởi vì, chế độ này sử dụng công an, cảnh sát, để thực hiện các biện pháp cứng rắn, áp bức đối với đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của toàn dân. Và cũng bởi lực lượng công an thường xuyên chà đạp lên pháp luật, hành xử theo kiểu “luật là tao, tao là luật”.
Trong khi, lực lượng chấp pháp của các nước dân chủ phải luôn hành xử theo luật, phải thượng tôn pháp luật. Không có bất kỳ ai được đứng trên luật pháp.
Cơ chế độc đảng, về bản chất là độc chiếm quốc gia và nhân dân làm chiến lợi phẩm, để tìm mọi cách khai thác. Đảng là tầng lớp cai trị, dân là tầng lớp bị trị, vậy thì hoà hợp thế nào được?
Phải có đa nguyên để dân tự do đóng góp ý kiến xây dựng đất nước, phải có đa đảng để mọi người dân đều có quyền tham gia chính trị công bằng, khi đó, dân với Đảng mới không xa cách. Ai cũng có quyền tranh cử vào cơ quan lập pháp, ai cũng có quyền tranh cử vào vị trí đứng đầu cơ quan hành pháp, thì lúc đấy Đảng với dân mới gần gũi.
Đằng này, Đảng hất dân ra rìa, ra khỏi mâm chính trị, thì dân nào hòa hợp với Đảng được?
Nếu Đảng chỉ chuyên làm điều tốt cho dân, thì cần gì phải dựng lên cả bộ máy tuyên truyền khổng lồ? Nếu công an luôn làm điều tốt, thì cần gì phải dựng lên tấm gương này tấm gương kia để lừa mị dân? Có thể nói, chẳng ai gây chia rẽ giữa Đảng với dân, mà chính Đảng tự hất dân ra rìa, để thu vén lợi ích, nên mãi mãi, Đảng không có được lòng dân.
Ý Nhi – Thoibao.de