Link Video: https://youtu.be/4h5_hSTHesk
Ngày 10/10, RFA Tiếng Việt có bài “Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu “xây dựng” người Hà Nội thanh lịch”.
Theo đó, tại Hội nghị vinh danh “Công dân thủ đô ưu tú” năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
RFA dẫn lời một người dân nhận xét:
“Bản thân ông Phạm Minh Chính cũng không nhận ra sự mâu thuẫn trong lời kêu gọi của ông. Bởi một lớp người có văn hóa, đầy đủ lương tri và phẩm giá Việt Nam, nó không đáp ứng được với tiêu chí xây dựng con người chỉ biết tuân lệnh phục vụ, cam tâm làm cánh tay nối dài không cần lý lẽ, cho các hoạt động cai trị của Đảng Cộng sản.”
RFA dẫn lời nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già phân tích:
“Ba yếu tố mà ông Chính đề cập là thi đua yêu nước, suy thoái đạo đức, tham nhũng và xây dựng người Hà Nội lồng vào danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú” nó chỉ mang tính phong trào mà thôi. Chỉ là vẻ ngoài chứ không giải quyết được gốc rễ vấn đề.”
“Tôi muốn nói là văn hóa người Hà Nội và văn hóa người Việt Nam hiện nay đã mai một và mất dần. Nó không còn những cái linh hồn, những cái hào hoa thanh lịch của người Hà Nội xưa.”
“Ngoài ra, khi ông Chính đề cập tới các tầng lớp đảng viên suy thoái đạo đức, tham nhũng… riêng phạm vi này tôi khẳng định rằng, chính nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, cụ thể là Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chính phủ phải chịu trách nhiệm liên tục, toàn diện và xuyên suốt đối với người dân Việt Nam”.
RFA cho biết, hơn 10 năm qua, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (ngày 10/10), thành phố Hà Nội lại tổ chức lễ trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”, cho những cá nhân được coi là có thành tích đặc biệt xuất sắc, nhiều cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của thành phố này. Theo truyền thông nhà nước, năm nay là năm thứ 13 Hà Nội tổ chức tôn vinh danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú”.
RFA dẫn lời Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng:
“Thật ra, việc mong muốn người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh là một điều đáng quý. Nhưng kể cả ngày xưa hay bây giờ, thì trong xã hội cũng có người này người khác. Đó là quy luật xã hội rồi. Tuy nhiên, nếu trong một xã hội lành mạnh thì số người thanh lịch sẽ chiếm đa số. Còn nếu một xã hội không ổn định và kinh tế bất ổn thì sẽ ảnh hưởng đến cách cư xử, văn hóa của người dân. Người ta không thể thanh lịch khi cuộc sống quá khó khăn, quá căng thẳng.”
“Thay vì Thủ tướng nhắm vào cái đích mong muốn người Hà Nội văn minh, thanh lịch, thì có lẽ nên nhắm vào cái đích ổn định kinh tế, ổn định xã hội sao cho người dân có một cuộc sống hài hòa, bình an thì cái thanh lịch nó tự đến.”
RFA dẫn quan điểm của nhạc sĩ Lê Thiệu, cho rằng:
“Việc mong muốn người Hà Nội hào hoa, thanh lịch thì tôi thấy là điều không thể, bởi Hà Nội hiện đang nằm trong danh sách 10 thành phố trộm cắp nhiều nhất thế giới. Như thế thì, làm sao mà xây dựng con người văn minh đúng nghĩa trong một thành phố như thế được. Không thể!”
RFA cho biết thêm, cuối năm 2014, TripAdvisor – một website chuyên nghiên cứu về du lịch, từng xếp Hà Nội trong top 10 thành phố nhiều trộm cắp nhất thế giới. “Thủ đô Hà Nội nổi tiếng với khu phố cổ có vẻ đẹp độc đáo, vô số khu di tích, kiến trúc Pháp thuộc và hàng trăm đền chùa cổ kính. Tuy nhiên, những kẻ móc túi hoành hành tại khắp nơi, hãy cẩn trọng khi tới chốn đông người”, TripAdvisor cho biết.
RFA dẫn số liệu thống kê của Công an thành phố Hà Nội, theo đó, năm 2022 có hơn 3.200 vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên địa bàn, trong đó có gần 1.300 vụ trộm cắp tài sản.
Thu Phương
>>> Hot trend ẩm thực mới của giới trẻ – bánh đồng xu
>>> Nạn nhân trái phiếu SCB mong sớm nhận lại tiền và đề nghị truy tố SCB
>>> Bà Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo
>>> Việt Nam cần đột phá để tự cường và đủ sức đối phó Trung Quốc
Bộ Công an lại kêu gọi bà Chủ tịch AIC ra đầu thú