Sư Trụ trì chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh đã đưa tượng Kinh lược sứ Vũ Hồn – viên quan cai trị của nhà Đường, Trung Quốc, tại Việt Nam thời Bắc thuộc, vào thờ trong chùa. Sau đó Thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao Quảng Ninh tiến hành xử lý vụ việc này theo quy định.
Dư luận không chỉ không đồng tình với việc chùa Ba Vàng thờ quan nhân người Trung Quốc, mà còn thấy rằng, nhà chùa là nơi thờ các vị Phật, các vị thần tiên, chứ không phải là nơi thờ cúng những người phàm trần, thậm chí là vô thần, ngoại đạo.
Không thể đưa một “người trần, mắt thịt” lên ngang hàng với Đức Phật để thờ cúng. Không phải cứ tùy tiện, thích là thờ một cách vô lối như vậy. Bởi bất kỳ tôn giáo nào cũng có triết lý, giáo lý, và đạo pháp riêng của họ.
Ở Việt Nam hiện nay, có một hiện tượng rất phổ biến, đó là chuyện rất nhiều nhà chùa đưa tượng ông Hồ Chí Minh lên bàn thờ ngang hàng với Đức Phật. Mà họ không biết rằng, việc thờ tự tùy tiện như vậy, chính là hành động báng bổ đối với thần tượng của chính họ.
Ở Việt Nam hiện nay, nhân vật Hồ Chí Minh không còn được xem là một nhân vật lịch sử thuần túy, mà còn thuộc về “biểu tượng” tâm linh. Một số đền chùa và nhiều gia đình thờ cúng ông Hồ. Có thể coi đó là một thứ “tín ngưỡng Hồ Chí Minh”, dù rằng, khi còn sống ông Hồ là một người vô thần.
Phải chăng, việc thờ cúng ông Hồ Chí Minh không đơn thuần là một biểu hiện của tín ngưỡng, mà đó là một hiện tượng mang chính trị, dưới sự thúc đẩy ngầm có chủ đích của nhà cầm quyền?
Những năm gần đây, truyền thông và báo chí nhà nước có nhiều bài viết ca ngợi việc thờ phụng Hồ Chí Minh như một nét đẹp văn hóa. Các đền thờ Hồ Chí Minh đều do nhà nước bỏ tiền xây dựng, mọc lên như nấm, làm tiền đề để sau đó sẽ là các công trình tượng đài Hồ Chí Minh.
Việc xây dựng các đền thờ Hồ Chí Minh là một trong những chính sách “thần thánh” hóa lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, sử dụng ngân sách nhà nước – nghĩa là tiền thuế của dân, là việc ai cũng biết. Song việc người ta đưa ông Hồ Chí Minh vào chùa để thờ, là điều không thể chấp nhận được.
Giới tu hành chân chính và các Phật tử thấy rằng, không thể đưa ông Hồ Chí Minh lên Tam bảo, kể cả việc đặt tượng ông ấy ở các ban thờ khác trong chùa cũng rất chướng mắt. Nhưng vấn đề là, việc thờ tự gán ghép kiểu như thế chính là một cách hạ thấp ông Hồ.
Trong khi, ông Hồ Chí Minh là một lãnh tụ có một vị thế vô cùng lớn, người ta xây cho ông một lăng tẩm to vật vã giữa trung tâm chính trị Ba Đình. Ngoài ra, có hàng trăm ngôi đền lớn bé thờ ông Hồ, được xây dựng trên khắp cả nước, rất tốn kém tiền của và công sức của người dân. Vậy tại sao phải gửi ké ông ấy vào nơi cửa Phật để người dân lễ bái, cúng dường. Vô tình, họ đã biến ông Hồ thành “kẻ ăn mày cửa Phật” hay sao?
Qua tìm hiểu được biết, nhiều nhà chùa cũng chẳng muốn đưa ông Hồ Chí Minh vào thờ phụng, vì điều đó làm mất đi sự thuần khiết của đạo Phật, đồng thời hạ thấp thanh danh của ông Hồ. Nhưng một khi, đó là chủ trương của Đảng và chính quyền, thì bắt buộc các chùa phải thực hiện. Chính quyền bắt buộc thì họ phải làm thôi.
Công luận nghi ngờ rằng, phải chăng, vì các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam khi đương chức, đương quyền, thì đều đặn vào lăng viếng ông Hồ Chí Minh trong các sự kiện trọng đại, đến khi hết chức, hết quyền, hết bổng, hết lộc, thì chẳng thấy ma nào đến lăng “viếng Bác” nữa, nên họ buộc phải gửi ông Hồ vào chùa?
Xin nhắc lại, nhân ngày sinh nhật của ông Hồ Chí Minh, hôm 19/5/2016, trên trang Facebook cá nhân của mình, Giáo sư Ngô Bảo Châu viết: “Có quý mến ai thì mong họ thoát khỏi vòng luân hồi, đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.” Và status này đã nhận được hàng vạn like, hàng trăm bình luận và cả ngàn lượt chia sẻ, nhưng đã bị gỡ bỏ sau khoảng hai giờ kể từ khi đăng.
Trà My – Thoibao.de