Lâu nay, dư luận xã hội ở Việt Nam đều thấy rằng, những lời ông Hồ Chí Minh nói về quyền làm chủ của nhân dân như, “Nhân dân là chủ, cán bộ là đầy tớ”, chỉ là những lời lẽ xảo ngôn và lừa bịp. Đa số người dân chỉ mong muốn, Đảng Cộng sản Việt Nam coi nhân dân đúng với ý nghĩa của từ “nhân dân”, thì cũng mừng lắm rồi.
Vậy mà, không hiểu vì lý do gì, do tuổi cao “lú lẫn” hay sức khỏe tâm thần có vấn đề, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại nói rằng: “Cơ chế của Việt Nam tôi cho là ưu việt nhất trong thời đại bây giờ”.
Phát ngôn này khiến cho dư luận ngạc nhiên, mà nói theo giọng mỉa mai của Giáo sư Ngô Bảo Châu, thì “không thần kinh thì cũng dở hơi”.
Báo Thanh Niên ngày 14/10 chạy tiêu đề, “Tổng Bí thư: “Cơ chế của Việt Nam tôi cho là ưu việt nhất trong thời đại bây giờ’”.
Bài báo cho biết:
“Sáng 14/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiến hành tiếp xúc cử tri các quận… trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.”
Khi đánh giá về cơ chế quản lý của Việt Nam, Tổng Bí thư cho rằng: “Theo tôi nghiên cứu và hiểu được, thì đây là cơ chế tôi cho là ưu việt nhất trong thời đại bây giờ”.
“Tổng Bí thư còn nhấn mạnh và khẳng định, đây là mối quan hệ biện chứng, không phải tự nhiên mà có, phải tổng kết bao nhiêu thời đại, bao nhiêu lịch sử mới ra được.”
Ngay lập tức, dư luận trên mạng xã hội phản ứng. Đa số các ý kiến bình luận cho rằng, Tổng Bí thư Trọng phát ngôn thiếu suy nghĩ, nói lấy được, quá coi thường dân, đặc biệt là giới trí thức.
Ông Tổng dựa vào đâu để khẳng định, cơ chế của Việt Nam “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” là cơ chế ưu việt nhất trong thời đại bây giờ? Hay Tổng Bí thư nói nhầm, từ thực tế, cái cơ chế mà Tổng Bí thư nhắc tới, thực chất nó lại là: “Đảng lãnh đạo Nhà nước, quản lý nhân dân và làm chủ đất nước”. Chứ nhân dân nào được làm chủ đất nước?
Trong khi, với cái cơ chế “ưu việt” ấy thì, y tế, giáo dục nát bét, tham nhũng tràn lan. Người dân được làm chủ đất nước, sao họ lại chỉ thích đi làm thuê ở nước khác, để cho bọn tư bản bóc lột?
Cơ chế của Việt Nam ưu việt nhất, nhưng tại sao Việt Nam lại thua kém quá nhiều các nước trong khu vực Đông Nam Á về mọi mặt? Thua kém cả Lào và Campuchia, chứ đừng nói đến việc so với các nước văn minh phát triển trên thế giới. Người dân Việt Nam hiểu rõ rằng, chế độ mà họ đang sống có rất nhiều “vấn đề” tồn tại, trong đó có quốc nạn tham nhũng.
Hiến pháp Việt Nam hiến định rõ: “Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Song, trên thực tế, người dân không hề biết và cũng không có quyền gì trong việc lựa chọn người lãnh đạo đất nước, cũng như việc tham gia giám sát quyền lực nhà nước.
Trong khi đó, Đảng Cộng sản Việt Nam – một đảng chính trị hợp pháp duy nhất – tự cho mình quyền nắm vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội, bất chấp Hiến pháp và bất chấp luôn chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định:
“Những điều ghi trong Hiến pháp thì người ta (chính quyền) ghi cho vui mà thôi, chứ người ta làm là theo ý của người ta. Người ta ghi một đằng, nhưng họ làm lại là một nẻo, chứ họ có làm theo Hiến pháp đâu. Làm gì mà có chuyện (người dân) làm chủ, dân đâu có biết gì?”
“Cái khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, là họ đề ra cho vui thôi, họ đề ra để chứng tỏ có sự dân chủ chứ người ta có thực hiện quái đâu?”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đảng Cộng sản Việt Nam đừng quên rằng, từ “xảo ngôn” trong tiếng Việt dùng để chỉ người ăn nói khéo, khéo đến mức người nghe khó nhận ra đó là dối trá, mà trái lại, người “xảo ngôn” sẽ cố gắng làm cho người nghe phải tin tưởng họ. Mà người “xảo ngôn” thường là người thiếu thành thật và thường tìm mọi cách để che đậy những ý nghĩ thật sự của mình, vì nó xấu xa./.
Trà My – Thoibao.de