Ngày 19/10, trên trang Facebook cá nhân của Chu Hồng Quý có đăng một clip ngắn về phát biểu của ông Hoàng Chí Bảo, nội dung như sau:
“Câu thứ hai Bác hỏi thế này, Thanh Hóa còn tệ đánh vợ không? Bác cũng biết hết, Bác là người không có cuộc sống riêng như chúng ta, nhưng Bác rất thấu hiểu tình cảnh của phụ nữ và Bác luôn luôn quan tâm đến bình đẳng nam nữ. Bác hỏi như vậy là có ý lắm. Bởi vì, báo chí cứ đưa tin về tình trạng tiêu cực là đánh vợ, đánh phụ nữ mà. Không chỉ Thanh Hóa đâu nhá. Bác phê bình 5 tỉnh có chuyện này cơ này.
Năm tỉnh có cái chuyện cán bộ nam giới uống rượu say hay đánh vợ lắm. Thái Bình là một nè, Thanh Hóa là hai nè, Vĩnh Phúc là ba nè, Hà Tây là bốn nè, Hà Nam là năm. Những tỉnh đó thì Bác hỏi còn tệ đánh vợ không? Bác bảo đánh vợ là dã man lắm. Thiếu kém đạo đức văn hóa lắm phải sửa ngay đi.”
Có lẽ, không ai xa lạ gì ông Giáo sư lý luận Mác Lê này. Gần như nghề kể chuyện về Bác Hồ là nghề kiếm sống của ông, mà kiếm rất bộn tiền nữa là khác. Vì đó là nghề, nên ông thường hay tìm những mẩu chuyện mới về Bác Hồ, để đem ra chém gió.
Tuy nhiên, vì nguồn đề tài có hạn, nên ông đã tự “sáng tác” ra những mẩu chuyện về Bác. Nhưng những chuyện bịa này, không những không tâng bốc được lãnh tụ, mà ngược lại, còn khiến hạ thấp phẩm giá “Cha già dân tộc” tự xưng của Đảng Cộng sản.
Có lần, ông Hoàng Chí Bảo kể, Bác Hồ được một công ty làm gốm sứ ở Pháp, mời viết thơ Đường trên sản phẩm giả hàng Tàu, để bán ra thị trường. Bác lấy tiền của người ta, nhưng không những không viết thơ Đường, mà còn viết chữ Hán chửi Thực dân Pháp, rồi Bác đánh bài chuồn.
Có lẽ, vì quá mải mê mô tả việc Bác chống Thực dân, mà ông Hoàng Chí Bảo quên mất, hành động của Bác Hồ mà ông miêu tả, là hành động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đấy là hành động phạm pháp.
Kỳ lạ là, lời kể của một ông Giáo sư chưa từng gặp Bác Hồ, mà có vẻ lại hiểu về Bác còn hơn cả Bác. Lẽ ra, cuộc đời ông Hồ Chí Minh phải được nghiên cứu nghiêm túc, cho dù là phía chống Cộng hay phía Cộng sản.
Bởi dù bênh hay chống, thì đều phải thừa nhận, ông Hồ Chí Minh là nhân vật lịch sử, do đó, cần tôn trọng sự thật lịch sử đã diễn ra. Không thể cứ dựng chuyện lên mà kể, như những bà bán hàng tôm hàng cá rảnh việc, bàn chuyện bao đồng.
Trở lại những câu chuyện mà ông Hoàng Chí Bảo kể về Bác Hồ. Thực chất, những người trí thức không ai coi trọng những lời kể này. Họ cần những khảo cứu có tính học thuật về ông Hồ Chí Minh, để có nhận xét khách quan về nhân vật này. Hiểu biết đúng về ông Hồ Chí Minh cũng là một kiến thức lịch sử.
Còn bịa chuyện về Hồ Chí Minh, rồi đi khắp nơi kể, cứ như được Bác Hồ nhập hồn, thì không những làm mất giá trị của người kể, mà còn làm mất luôn giá trị của ông Hồ Chí Minh. Trong trường hợp này, ông Hoàng Chí Bảo không cho người ta thấy, ông Hồ có tầm vóc lớn, mà chỉ phơi lên hình ảnh một lãnh tụ đi lo chuyện “tầm phào”.
Nói về nhân vật Hồ Chí Minh, thì hiện nay, có hai luồng nhận xét trái ngược, từ những nhà nghiên cứu ở hải ngoại và những nhà nghiên cứu trong nước. Những nhà nghiên cứu trong nước không bao giờ dám khai thác mảng tối trong cuộc đời ông Hồ Chí Minh, cho nên, những tư liệu về ông Hồ theo mô tả của chính quyền Cộng sản không đáng tin cậy. Bởi Đảng Cộng sản đang dùng ông Hồ như một tấm bình phong, họ phong thánh cho ông, để cả Đảng nấp sau lưng mà hưởng lợi.
Các nhà nghiên cứu nghiêm túc ở hải ngoại thì mới tra ra những tài liệu nói về góc tối của ông Hồ Chí Minh. Ông Hồ Chí Minh là người thường, không phải thánh. Ông có tài thì cũng có tật, và cũng có những sai lầm rất nghiêm trọng. Những góc khuất này, rồi đây cũng sẽ được trả lại cho lịch sử. Chế độ độc tài nào cũng sẽ bị thay thế, nên tiếng thơm giả tạo của ông Hồ Chí Minh không thể “sống mãi” được.
Ý Nhi – Thoibao.de