Link Video: https://youtu.be/oNoDBNGcxxg
Ngày 23/10, VOA Tiếng Việt cho hay “Vụ công an bắt người mẫu Ngọc Trinh tiếp tục gây tranh cãi”.
Theo đó, những người am hiểu luật liên tục bày tỏ lo ngại trong mấy ngày nay, về sự diễn dịch luật và bắt bớ công dân của nhà chức trách Việt Nam, sau khi công an ở thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ người mẫu Ngọc Trinh hôm 19/10.
VOA cho biết, theo các báo Việt Nam, vào ngày 10/10, công an đã phạt bà Ngọc Trinh 17 triệu đồng về các lỗi vi phạm do lái xe mô tô một cách nguy hiểm ngày 6/10.
Tuy nhiên, sau đó, bà vẫn bị khởi tố, bắt tạm giam, vì công an cho rằng, việc bà ghi hình lại hành động lái xe nguy hiểm và đăng các đoạn video đó lên các tài khoản mạng xã hội của bà – có hàng triệu người theo dõi – đã “gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên không gian mạng”.
VOA dẫn lời vị Luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài, hiện sống ở Đức, phân tích:
“Hành vi của cô Ngọc Trinh diễn ra trong một khu công nghệ cao rất vắng người, không phải là nơi công cộng theo đúng định nghĩa trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam, đó là nhà ga, bến tàu, trường học, bệnh viện, quảng trường, công viên, sân vận động, chợ, v.v…”
“Công an dùng Luật An ninh Mạng để dẫn chiếu sang Bộ luật Hình sự theo Điều 318, thì điều đó hoàn toàn là khiên cưỡng, không chính xác trong việc áp dụng luật để bắt giữ cô Ngọc Trinh.”
VOA cũng dẫn Facebook có hơn 110.000 người theo dõi của luật sư Lê Ngọc Luân, thuộc hãng luật Gold Key ở Sài Gòn, viết:
“Nếu đã xử phạt hành chính, nhưng sau đó ra quyết định khởi tố hình sự, tôi cho rằng không chuẩn … Việc Trinh lái xe phân khối lớn, thả tay… để quay clip đưa lên các mạng xã hội và quan điểm cơ quan tố tụng cho rằng, đó là hành vi của tội “Gây rối trật tự công cộng” thực sự thấy khiên cưỡng.”
Từ kinh nghiệm của một luật sư lâu năm, ông Luân nêu quan sát rằng, quyền hành trong việc áp dụng biện pháp tạm giam của cơ quan điều tra thuộc Công an Việt Nam “hiện quá lớn”, và rất nhiều trường hợp “không cần thiết phải bắt giam”.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cảnh báo:
“Vụ việc này không dừng lại, vì bất kỳ người Việt Nam nào, khi có hành động biểu diễn hay có các video clip chưa đến mức vi phạm pháp luật, và sau đó đưa lên mạng xã hội, được nhiều người like, nhiều người thích, nhiều người comment, sẽ dẫn đến công an coi đó là hành động gây rối trật tự công cộng, thì điều đó là không thể chấp nhận được.”
VOA tiếp tục dẫn bài phân tích về vụ Ngọc Trinh, đăng trên Luật khoa Tạp chí của nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, hiện phải sống tị nạn ở Canada do sức ép của chính quyền Việt Nam.
Ông Tuấn nhận định, việc bắt bà Ngọc Trinh, và trước đó là vụ bắt bà Nguyễn Phương Hằng, có lý do là Đảng Cộng sản Việt Nam lo ngại về tầm ảnh hưởng của những người đó.
“Cả bà Nguyễn Phương Hằng và Ngọc Trinh không chỉ thành công về tiền bạc, mà còn có sức ảnh hưởng với công chúng nữa, nhờ sự trỗi dậy của Internet và mạng xã hội. Nếu như trước đây, Đảng có thể quyết định ai xuất hiện trước công chúng thông qua độc quyền báo chí và truyền hình, thì giờ đây, với Internet và mạng xã hội, Đảng không còn quyền lực độc tôn đó nữa.”
“Trong một xã hội mà các lãnh đạo chính trị thường bị công chúng phớt lờ vì sự đơn điệu buồn chán của họ, những người có sức ảnh hưởng với công chúng, mỗi lần livestream có cả triệu người theo dõi, có thể đã bị diễn giải thành mối đe dọa trước mắt, hoặc tiềm ẩn đối với chế độ, qua nhãn quan cảnh giác cách mạng của công an.”
Với hành động mạnh tay là bắt bớ, “bộ máy an ninh vẫn muốn nhắc nhở công chúng rằng, ai mới là người quyền lực nhất của đất nước”, ông Tuấn bình luận.
Ông cũng phát đi lời cảnh báo với công chúng ở Việt Nam rằng, dù lý do bắt giữ bà Ngọc Trinh có là gì đi chăng nữa, rốt cuộc họ vẫn phải đối mặt với “một thực tế phũ phàng: Lấy gì đảm bảo cho tự do và tài sản của họ, nếu họ bị bắt giữ vì một lý do mù mờ ở Việt Nam?”
Hoàng Anh
>>> Vì sao Bộ Công an khởi tố vụ án “đất hiếm” vào thời điểm hiện nay?
>>> Cảnh báo: chính quyền Việt Nam đang bóp nghẹt và triệt hạ đường sống của giới văn nghệ sĩ?
Việt Nam lại lên kế hoạch tăng lương cho công chức