Tình trạng một số không nhỏ các đại biểu Quốc hội Việt Nam, do không có năng lực hay trình độ kém, cho nên, trong các kỳ họp của Quốc hội, thường đem đến những trò gây cười cho dân chúng.
Trước đây, ngày 31/5/2022, phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cho rằng, “Chồng suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp cũng là bạo lực gia đình”.
Hay mới nhất, khi hàng loạt các doanh nghiệp ở Việt Nam gặp khó khăn, người lao động bị sa thải hàng loạt do thiếu việc làm. Đời sống xã hội thì khốn khó khi giá cả tăng vọt, người bệnh thiếu thuốc v.v… Vậy mà, chiều 25/10, khi Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội đoàn Bình Định, ông Nguyễn Văn Cảnh, đã đề nghị, “… cần phân nhóm sim số đẹp đưa ra đấu giá để tăng thu ngân sách.”
Hiến pháp 2013 (sửa đổi) quy định rõ: “Quốc hội Việt Nam có quyền lập hiến, quyền lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Vậy tại sao hàng chục năm qua, các đại biểu Quốc hội không thực hiện chức năng xây dựng luật hay pháp lệnh, mà chỉ biết đưa ra những vấn đề vớ vẩn, vụn vặt?
Tình trạng luật, bộ luật, pháp lệnh, hoàn toàn do cơ quan hành pháp, tức Chính phủ, soạn thảo, rồi Quốc hội chỉ việc “đóng dấu” thông qua. Vậy thì, có Quốc hội để làm gì?
Thay vào đó, vào mỗi kỳ họp Quốc hội, thì người dân lại có dịp cười nghiêng ngả với những đề xuất “lạc lõng” từ các đại biểu Quốc hội.
Đa số các đại biểu Quốc hội hiện nay, họ không phải là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, và thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội như luật định. Tình trạng này đã khiến người dân và cử tri thắc mắc: “Tại sao các đại biểu Quốc hội lại ăn nói nhảm nhí như vậy?”
Giới chuyên gia và dư luận thấy rằng, có nhiều lý do khác nhau, song tựu chung là:
– Một, trình độ của các đại biểu Quốc hội rất kém, dù họ khoác trên mình đủ những danh hiệu như giáo sư, tiến sĩ… Quan trọng hơn là họ không ý thức được trách nhiệm của bản thân, theo quy định.
Bên cạnh đó, đa số các đại biểu Quốc hội không do cử tri bầu, mà là do cơ cấu, cho đẹp đội hình theo chủ trương của Đảng, trong khi trình độ, kinh nghiệm sống, tầm suy nghĩ chưa đủ để đảm đương trọng trách đại biểu Quốc hội.
– Hai, tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội là đảng viên, theo quy định, họ phải hoàn toàn phục tùng mọi nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Vì vậy, những ý kiến có tính đột phá hay gợi mở, để tháo gỡ khúc mắc và đề xuất giải pháp … họ không được phép phát biểu. Nói ra, bị quy chụp là trái với nghị quyết của Đảng, thì sẽ ảnh hưởng đến công danh sự nghiệp.
Vậy nên, đa số đại biểu Quốc hội hiện nay đều phát biểu theo lối chung chung, vô thưởng vô phạt, thậm chí nói những điều… ngớ ngẩn còn tốt hơn cho bản thân họ. Đó là lý do tại sao, trong nghị trường, đa số các đại biểu Quốc hội chọn cách yên lặng ngồi nghe, rồi bấm nút biểu quyết theo đa số, chứ không dám thể hiện chính kiến của mình.
Do đó, những ý kiến hay câu hỏi rất chất lượng, đầy tâm huyết, đi thẳng vào các vấn đề quốc gia đại sự, quốc kế dân sinh… từ các đại biểu Quốc hội “vì dân” như Trương Trọng Nghĩa, Lưu Bình Nhưỡng… dần vắng bóng.
Tiến sĩ Hoàng Dũng, từ Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho rằng:
“Những đề nghị quái đản của họ [đại biểu Quốc hội] tôi không lấy làm lạ, vì nó không liên quan gì đến chuyện họ có trúng cử hay không. Tất cả họ không phải do người dân bầu ra, cho nên họ chỉ cần được lòng lãnh đạo Đảng, chứ không cần biết họ giỏi hay dốt. Vì vậy họ phát ngôn điên rồ cũng không ai lạ.”
Việc Việt Nam cần phải trả lại cho cử tri quyền được bầu chọn thực sự các đại biểu Quốc hội, là nhu cầu cấp bách. Có như vậy thì Quốc hội mới thực sự là tiếng nói thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Chứ đừng để tình trạng 500 đại biểu Quốc hội chỉ làm mỗi một việc gây cười, mua vui cho thiên hạ, như hiện nay. Điều này chỉ tốn tiền thuế của dân mà thôi./.
Trà My – Thoibao.de