Link Video: https://youtu.be/LfDpUroAQkg
Ngày 27/10, nhà báo Trương Huy San có một bài bình luận về vụ việc nhà xe Thành Bưởi mới xảy ra, bài viết với tựa đề “VTV và nhà xe Thành Bưởi”.
Nhà báo nhận xét, lực lượng Công an và Thanh tra giao thông mà “tiến hành khám xét trụ sở chính Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thành Bưởi tại quận 5“, thì số phận của nhà xe này có vẻ như đã “ngàn cân treo sợi tóc“. Nhưng, tối qua khi xem một phóng sự của VTV thì thật buồn.
Nhà báo cho rằng, những “vi phạm” mà nhóm phóng viên VTV “điều tra” ra, đều là những hoạt động công khai suốt nhiều năm. Chúng không những không đe dọa gì về trật tự công cộng, mà còn cho thấy, cách tổ chức rất khoa học, rất tiện lợi cho hành khách của hãng xe được lựa chọn nhiều nhất trên tuyến Sài Gòn – Đà Lạt này.
Trong các năm 2014, 2015, nhà báo tham gia tổ chức các lớp tập huấn cho các nhà báo và các nhà vận động chính sách ở RED Communication, khi “xe dù” đang là một đề tài được rất nhiều báo đài “điều tra“, phê phán.
Được biết, RED Communication là tên tiếng Anh của Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển – là một tổ chức khoa học phi lợi nhuận, thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam – có trụ sở tại Hà Nội. RED đóng góp cho phát triển thông qua Hỗ trợ báo chí và Truyền thông phát triển.
Trong khóa huấn luyện này, nhà báo và các đồng nghiệp đã lấy “xe dù” làm case-study – một phương pháp nghiên cứu sâu về một đối tượng, tình huống cụ thể, mà thường là một doanh nghiệp, một ngành nghề, một sự kiện hoặc một vấn đề. Nghiên cứu này được thực hiện dưới sự hướng dẫn của Phó Giáo sư Võ Trí Hảo. Và điều mà mọi người nhận ra, “xe dù” chỉ là vấn đề cạnh tranh giữa các nhà xe.
Nhà báo phân tích, việc Thành Bưởi dùng xe nhỏ trung chuyển ra một bãi đất trống ở ngoại ô Sài Gòn là cách làm đáng khen, vì điều này giúp giảm lượng xe lớn vào trung tâm thành phố. Xe trung chuyển của Thành Bưởi, “xe dù” cũng như mọi phương tiện khác, đều phải tuân thủ Luật Giao thông. Nếu những xe này dừng, đỗ xe nơi cấm đỗ, phóng nhanh vượt ẩu, thì sử dụng Luật Giao thông mà điều chỉnh.
VTV phê phán Thành Bưởi chạy tuyến cố định, nhưng dưới hình thức “xe hợp đồng” là vi phạm “Nghị định số 10 năm 2020“.
Nếu hiểu biết, nhà báo nhấn mạnh, VTV phải phê phán cái Nghị định số 10 ấy, vì nó vừa có dấu hiệu của “nhóm lợi ích“, vừa là những thủ tục vô lý, tạo điều kiện nhũng nhiễu doanh nghiệp [cả khi làm thủ tục và cả khi đi trên đường]. Tại sao chạy xe dưới hình thức nào, tuyến nào lại phải “xin – cho“, thay vì việc ấy là lựa chọn của các nhà xe [thị trường sẽ điều tiết chứ không phải nhà nước].
Nhà báo nhận định, điều quan trọng nhất với nhà nước là thuế. Nếu Thành Bưởi thực sự trốn thuế, thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật [tất nhiên, điều tra trốn thuế không đơn giản và võ đoán như VTV vừa làm].
Nhà báo bình luận, tuyến Sài Gòn – Đà Lạt, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe khách. Có cả Phương Trang và Thành Bưởi thì mới có cạnh tranh, hành khách mới được phục vụ tốt như hai chục năm qua. Cũng hàng chục năm qua, Thành Bưởi luôn là đối tượng bị tấn công [nhất là thời Tất Thành Cang làm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải]. Mất Thành Bưởi thì Phương Trang sẽ kinh doanh thuận lợi, “một mình một chợ“. Nhưng, mất Thành Bưởi, hành khách sẽ đối diện với nguy cơ độc quyền, nguy cơ trở về thời “hành khách“.
Nhà báo nói thêm, hiện tượng xe khách phóng như điên bất chấp tốc độ là rất phổ biến trên tất cả các tuyến, gần như từ Nam chí Bắc. Điều này, chắc cảnh sát giao thông hiểu nguyên nhân đến từ đâu.
Từ những phân tích của nhà báo Trương Huy San, nhiều người đặt nghi vấn: Vì sao VTV lại tấn công nhà xe Thành Bưởi, với những lý do khiên cưỡng như vậy?
Quang Minh
>>> Sự ra đi của cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Trung Quốc?
>>> “Thực chiêu” và “hư chiêu” của phiếu tín nhiệm
>>> Chủ nghĩa bài Do Thái tại các nước cộng hòa thuộc Nga
>>> Công nhân chỉ là những “anh Dậu”, “chị Dậu” mặc áo cổ xanh
Việt Nam không đạt các tiêu chuẩn để được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường