Ngày 29/10, báo Vnexpress có bài viết “Thủ tướng: Việt Nam đã làm được những điều tưởng như không thể”.
Bài báo này ca ngợi công lao của ông Phạm Minh Chính trong công tác chống dịch, với lời lẽ có cánh, tung hô lên mây. Trong đó, bài báo có nhắc đến lời ông Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống Covid-19, tổ chức vào sáng 29/10 vừa qua.
Ông Chính nói rằng: “Việt Nam trở thành một trong những nước đi sau nhưng về trước trong phòng chống dịch”.
Khả năng chống dịch Covid thế nào thì không cần phải tung hô nữa, kết quả đã bày ra tất cả. Đó là con số trên 40.000 người chết.
Nếu Chính phủ đã nỗ lực hết sức, làm tốt nhất có thể, thì người dân có thể thông cảm. Nhưng trong hơn 40.000 cái chết đấy, có phần không nhỏ liên quan đến việc chính quyền cấu kết với gian thương để trục lợi người dân. Họ tung chiến dịch với bề ngoài thì chống bệnh, nhưng thực chất là quan chức và gian thương kiếm chác ngàn tỷ. Vụ án Việt Á và vụ án chuyến bay giải cứu nói lên tất cả.
Ở vai trò là người đứng đầu Chính phủ, và là Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid, nhưng ông Phạm Minh Chính đã để cho thuộc cấp của ông là Nguyễn Thanh Long – Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, Chu Ngọc Anh – Cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công Nghệ, Phạm Công Tạc – Cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công Nghệ dính chàm, thì xem như, ông đã thất bại trong vai trò là Trưởng ban.
Chưa có quốc gia nào mà chính quyền, từ Trung ương đến địa phương, lại câu kết nhau trục lợi người dân, khi họ đang khốn khó vì phải đối mặt với dịch bệnh, như Việt Nam.
Hậu Covid-19 là những cuộc loại bỏ nhau trên vũ đài chính trị. Bởi chống tham nhũng chỉ là công cụ mà lâu nay ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn dùng, để thanh trừng nội bộ. Hàng loạt nhân vật bên Chính phủ và tại các chính quyền địa phương bị tống vào tù. Cuộc thanh trừng này lớn đến mức, 2 ủy viên Bộ Chính trị phải ngã ngựa.
Giai đoạn từ Hội Nghị Trung ương 6 đến Hội nghị Trung ương 7, là lúc ông Nguyễn Phú Trọng ra tay mạnh nhất khiến ông Nguyễn Xuân Phúc ngã ngựa, bởi sai phạm của ông khi còn làm Thủ tướng.
Được biết, chiến dịch chống Covid trải qua 2 đời Thủ tướng là Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Minh Chính.
Nếu ông Nguyễn Xuân Phúc có sai phạm liên quan đến Covid, thì ông Phạm Minh Chính cũng không thể tránh khỏi trách nhiệm liên quan.
Vậy, tại sao ông Nguyễn Xuân Phúc ngã ngựa, còn ông Phạm Minh Chính thì vẫn vững vàng?
Thật ra, ông Nguyễn Phú Trọng chưa thể quật ngã được Phạm Minh Chính, bởi thế và lực của ông Phạm Minh Chính mạnh hơn Nguyễn Xuân Phúc.
Từ một ông Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid, chỉ đạo phòng chống dịch thất bại, mà lại phát biểu tự vuốt ve chính mình, rồi báo chí xúm vào đưa tin rầm rộ, thì điều này cho thấy, sức khỏe chính trị của ông Phạm Minh Chính hiện nay khá tốt. Những người đang trong tình trạng sức khỏe chính trị không tốt, thì không bao giờ báo chí dám dẫn lời, dám tung hô. Bởi tờ báo nào dám trái ý với chỉ đạo bên trên, thì tờ báo đó có thể bị “trảm” bất cứ lúc nào.
Hiện nay, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn với Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã kết thúc. Kết quả là phe Tô Lâm vẫn không thể làm được gì, bởi bà Nhàn vẫn bặt vô âm tín. Mà một khi bà Nhàn có được nơi ẩn náu an toàn, thì dù cho ông Nguyễn Phú Trọng có cố cỡ nào, cũng khó mà làm được gì ông Thủ tướng. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn an toàn, đồng nghĩa với việc sức khỏe chính trị của Phạm Minh Chính vẫn còn tốt.
Với việc chính quyền Đức bất hợp tác với Đảng Cộng sản trong yêu cầu dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, thì ông Phạm Minh Chính vẫn an tâm “kê cao gối ngủ”, mà không cần phải lo sợ gì nhiều.
Có thể nói, bão thanh trừng đã tạm lắng đối với Phạm Minh Chính. Chỉ khi cơn bão đã qua đi, thì con chim mới ung dung mà “hót líu lo”. Và thực tế, ông Phạm Minh Chính đang hót, hót về thứ thành tích chống dịch giả tạo của chính mình.
Ý Nhi – Thoibao.de