Link Video: https://youtu.be/kRLpM3h5tzU
Ngày 3/11, VOA Tiếng Việt cho hay “Mỹ hối thúc Việt Nam phóng thích Phạm Đoan Trang tại Đối thoại Nhân quyền thứ 27”.
Theo đó, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu phái đoàn Việt Nam đang tham gia Đối thoại Nhân quyền, hãy phóng thích các tù nhân lương tâm, trong đó có nhà báo Phạm Đoan Trang, đồng thời nới lỏng các hạn chế đối với xã hội dân sự. Washington nhấn mạnh rằng, nhân quyền sẽ là “yếu tố quan trọng cho sự can dự mở rộng của chúng tôi với Việt Nam”.
VOA cho hay, Việt Nam và Hoa Kỳ vừa tổ chức Đối thoại Nhân quyền thường niên lần thứ 27, ở thủ đô Washington, DC, từ ngày 1 đến ngày 2/11, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một thông cáo hôm 2/11.
Theo VOA, ngay trong phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Uzra Zeya phụ trách về An ninh dân sự, Dân chủ và Nhân quyền, kêu gọi phái đoàn Việt Nam do ông Phạm Hải Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, dẫn đầu, rằng Hà Nội hãy trả tự do cho các tù nhân lương tâm.
VOA dẫn lời bà Zeya nói trong bài diễn văn, được Bộ Ngoại giao Mỹ đăng trên trang web chính thức, rằng:
“Chúng tôi kêu gọi quý vị trả tự do cho các tù nhân lương tâm, như bà Phạm Đoan Trang, một nhà báo ôn hòa, vẫn còn bị giam cầm dù tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi.”
Nhà ngoại giao Mỹ được Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm vào năm 2021 nhấn mạnh: “Việc làm của bà Trang và các nhà báo khác rất cần thiết để xây dựng một xã hội thịnh vượng và kiên cường. Họ giúp xác định và giúp cộng đồng địa phương có tiếng nói trong việc giải quyết các thách thức như ô nhiễm môi trường, tham nhũng và tiếp cận các nguồn lực công.”
Ngoài ra, bà Zeya còn kêu gọi Việt Nam giảm bớt những “hạn chế quan liêu nặng nề” đối với xã hội dân sự, thúc đẩy hệ sinh thái kỹ thuật số, tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ, hoặc tổ chức xã hội trong và ngoài nước.
VOA dẫn một thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ, hôm 2/11 cho biết, cuộc Đối thoại Nhân quyền này đề cập đến nhiều vấn đề, liên quan đến nhân quyền và quyền lao động, bao gồm tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội; tự do tôn giáo hay tín ngưỡng; thượng tôn pháp luật và cải cách pháp luật; quản trị lĩnh vực an ninh; và quyền của các thành viên thuộc nhóm dân số bị thiệt thòi, bao gồm thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số, người LGBTQI+, người khuyết tật, cũng như các trường hợp cá nhân cần quan tâm.
“Theo Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam, việc thúc đẩy nhân quyền là một yếu tố thiết yếu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, và là yếu tố quan trọng cho sự can dự mở rộng của chúng tôi với Việt Nam”, Văn phòng Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. “Chúng tôi cam kết tiếp tục thảo luận thẳng thắn và dựa trên kết quả với Chính phủ Việt Nam về vấn đề này”.
Trước đó, trong bài phát biểu của mình, bà Zeya nhắc đến Tuyên ngôn độc lập của hai nước, mà bà cho là hai nước “có tầm nhìn chung”, bao gồm cam kết về tôn trọng nhân quyền. Bà nói: “Cả hai đất nước chúng ta đều được thành lập dựa trên ý tưởng rằng, tất cả mọi người trên trái đất này đều bình đẳng từ khi sinh ra, và tất cả mọi người đều có những quyền cơ bản nhất định – quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Được biết, bà Phạm Đoan Trang, sinh năm 1978, là một nhà báo tự do, một người có nhiều đóng góp giá trị cho phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam. Bà là tác giả của nhiều bài báo và cuốn sách viết về chính trị cũng như phương pháp đấu tranh phi bạo lực, nổi tiếng như: Chính trị bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Đấu tranh phi bạo lực…
Bà Trang bị bắt ngày 2/10/2020 tại Sài Gòn, sau đó bị di lý ra Hà Nội, và một tòa án ở Hà Nội đã kết án bà 9 năm tù giam, với tội danh “Tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Xuân Hưng
>>> Thế nào là chống tham nhũng “không đúng cách”?
>>> Chủ nghĩa Mác – Lê là nguyên nhân chính của sự suy thoái giáo dục
>>> Giáo dục: Người bán bị lên án, kẻ mua lại vô can
>>> Công an phạm tội ngày càng nhiều
Tổng Bí thư đang cố vá víu hệ thống Lenin bằng cách hạn chế khu vực tư nhân