Link Video: https://youtu.be/4QI2sgDEMzY
Ngày 3/11, RFA Tiếng Việt cho hay “Ba tổ chức quốc tế kêu gọi chính quyền chấm dứt đàn áp báo chí trước kiểm điểm nhân quyền”.
Theo đó, 3 tổ chức nhân quyền, gồm Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Freedom House, và Quỹ Nhân quyền Robert F. Kennedy (RFK), kêu gọi Chính phủ Việt Nam chấm dứt đàn áp báo chí, bảo đảm các nhà báo không bị cầm tù hoặc bị sách nhiễu hay không được hoạt động báo chí.
Báo cáo chung về tự do báo chí gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc được công bố đúng vào ngày 2/11, Ngày Quốc tế chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo, và trước Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền của Việt Nam lần thứ tư, tổ chức ở Geneva, Thuỵ Sĩ vào tháng 5/2024.
RFA cho biết, trong báo cáo, 3 tổ chức nhân quyền nêu lên tình trạng nhiều nhà báo chết hoặc bị đối xử vô nhân đạo, trong khi thi hành án tù. Trong đó, nhà báo Đỗ Công Đương bị chết vì bệnh trong tù, cho dù nhiều lần yêu cầu được chữa trị.
Có ít nhất 7 người khác bị đánh đập bởi quản giáo, hoặc bị từ chối chữa trị bệnh hiểm nghèo. Nhà báo Nguyễn Văn Hoá của RFA bị đánh đập nhiều lần, bị biệt giam nhiều lần, bị từ chối chữa trị khối u và không được liên lạc với gia đình.
Nhiều nhà báo bị nhận các bản án nặng nề, như nhà báo Phạm Chí Dũng 15 năm tù.
Nhà thơ kiêm nhà báo Trần Đức Thạch bị kết án 12 năm tù về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án 9 năm tù.
Báo cáo cũng đề cập đến trường hợp Youtuber Đường Văn Thái, bị bắt cóc khi đang tị nạn ở Thái Lan và đã được Văn phòng Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cấp quy chế.
Nhà báo Lê Anh Hùng, blogger của VOA còn bị giam giữ trong bệnh viện và chữa trị tâm thần bắt buộc, trong thời gian hơn ba năm.
Báo cáo nói, việc Việt Nam bắt cóc và đe dọa bắt cóc nhà báo, cho thấy, chính quyền độc đảng ở Việt Nam không dung thứ bất đồng đối với những người thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.
Trong nửa đầu của năm 2023, có ít nhất 20 nhà báo, người hoạt động và người bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ, trong khi nhiều nhà báo khác là đối tượng bị quản chế tại gia trong các dịp lễ, hay có khách quốc tế viếng thăm Việt Nam.
Theo RFA, trong nhiều năm gần đây, chính quyền Việt Nam đã sử dụng nhiều luật và nghị định, như Luật An ninh mạng và dự thảo Nghị định 72, để kiểm soát và hạn chế thông tin trực tuyến, buộc các công ty như Google, YouTube, Facebook and TikTok gỡ các video, bài viết, tài khoản có nội dung “bôi xấu Đảng và Chính phủ”.
Ba tổ chức nói, những hành động trên của Chính phủ Việt Nam vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã phê chuẩn, như Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát hay Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, cũng như Công ước chống tra tấn.
Báo cáo chỉ ra rằng, sau kỳ Kiểm điểm định định kỳ phổ quát về nhân quyền lần thứ ba năm 2019, Chính phủ Việt Nam chấp nhận nhiều khuyến nghị về tự do báo chí, tuy nhiên, trên thực tế lại không thực hiện các khuyến nghị này.
Vẫn theo RFA, trong phần khuyến nghị, 3 tổ chức kêu gọi Việt Nam chấm dứt sử dụng các biện pháp bạo lực, đánh đập, biệt giam, đối với nhà báo và người bảo vệ nhân quyền. Đồng thời, đưa những kẻ đàn áp nhà báo và người bảo vệ nhân quyền ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngoài ra, cần phóng thích các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền, chấm dứt việc bắt cóc, bắt giữ tuỳ tiện và giam cầm những người thực thi quyền tự do biểu đạt.
Bảo đảm quyền được xét xử công bằng cho các nhà báo cũng như chấm dứt việc giam lỏng hay cấm xuất cảnh đối với họ.
Việt Nam cũng được khuyến nghị là cần sửa đổi hoặc hủy bỏ các điều khoản 117 và 331 của Bộ luật Hình sự, để bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.
Ý Nhi
>>> Khi lòng tham đội lốt chính sách phát triển, sẽ có vô số Long Sơn khác nổi lên! (bài cuối)
>>> Công an, tòa án và tuyên giáo bày thiên la địa võng, dân Long Sơn – Nghi Sơn hết đường! (bài 5)
>>> Tại sao các nước Ả Rập sợ người Palestine
Lại thêm đường dây bán dâm ngàn đô