Link Video: https://youtu.be/o2pgxxvsqsY
Ngày 8/11, RFA Tiếng Việt loan tin “Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tính răn đe trong xử phạt những người bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội”.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – Nguyễn Mạnh Hùng – nói trước Quốc hội về sự cần thiết xử phạt những người bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội, mà ông cho là có tính “bôi nhọ, bôi xấu”.
Trong khi đó, RFA cho biết, truyền thông Nhà nước dẫn lời Bộ trưởng Văn hoá Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng, hôm 7/11 nói trước Quốc hội rằng, bộ phim Đất Rừng Phương Nam đang gây tranh cãi nhiều tuần qua ở Việt Nam, không vi phạm pháp luật điện ảnh. Ông cho rằng, những dư luận chưa chuẩn xác về phim cần phải được xem xét, tính toán để xử lý theo quy định.
Bộ phim Đất Rừng Phương Nam nhận được nhiều ý kiến trái chiều cả khen và chê, trong đó ở chiều phê phán, nhiều người cho rằng bộ phim phản ánh sai lệch lịch sử và bị “Tàu” hóa.
Phát biểu tại Quốc hội hôm 8/11, ông Nguyễn Văn Hùng làm rõ thêm: “Việc ý kiến khen – chê khác nhau là bình thường, nhưng chúng ta không thể chấp nhận thói trịch thượng, phán xét, bôi nhọ, bôi xấu… Người Việt có câu “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”
RFA dẫn khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng rằng, Bộ Thông tin Truyền thông cũng phối hợp với Bộ Công an, xử lý nghiêm, xử lý hình sự một số vụ việc mang tính trọng tâm để răn đe.
Theo RFA, liên quan đến tỷ lệ các thông tin xấu độc, người đứng đầu ngành Thông tin Truyền thông của Việt Nam cho biết, năm 2018, tỷ lệ các thông tin xấu độc về các lãnh đạo chủ chốt có những lúc chiếm 70%, nhưng đến giờ tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 1%.
Trước đó 4 ngày, một bản tin khác của RFA cho hay “Bộ Thông tin Truyền thông sắp đưa ra quy định bắt gỡ bỏ tin “độc” trong vòng 3 giờ”.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thông tin này tại Quốc hội hôm 4/11.
RFA dẫn lời ông Nguyễn Mạnh Hùng nói “tin sai sự thật trên mạng, nếu không được giải quyết nhanh chóng sẽ lan rộng”. Vì vậy, ông nói, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ đề nghị thời gian gỡ bỏ các thông tin này thành 24 giờ, thay vì 48 giờ như hiện nay.
Ông Hùng cũng đề nghị việc nâng tiền phạt hành chính gấp ba lần mức hiện tại, đối với những trường hợp đưa tin sai sự thật. Ông Hùng nói rằng, mức phạt của Việt Nam hiện tại chỉ bằng 1/10 so với mức phạt của các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
Những trường hợp có nội dung bị cho là gây nguy hại cho an ninh quốc gia sẽ phải bị gỡ bỏ ngay lập tức.
Cũng trong phiên họp Quốc hội vào ngày 4/11, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói trong năm 2023, Việt Nam sẽ hoàn tất việc xử lý tình trạng “báo hoá”, từ mà giới chức Việt Nam thường dùng gần đây, để gọi các trang mạng xã hội đưa tin khiến người xem tưởng nhầm là trang của báo.
RFA cho biết thêm, hồi đầu tháng 10, Bộ Thông tin Truyền thông cho biết, Bộ này đã xác định được khoảng 30 cơ quan báo chí bị cho có dấu hiệu “báo hoá” tạp chí, “tư nhân hóa” báo chí. Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị một luật nhằm hạn chế đưa tin tức lên mạng xã hội, vì những lo ngại mà Chính phủ Việt Nam gọi là “báo hóa” mạng xã hội.
Luật mới này nhằm đặt cơ sở pháp lý cho biện pháp kiểm soát việc truyền đi tin tức trên các nền tảng như Facebook và YouTube; cũng như buộc thêm trách nhiệm điều tiết cho các nhà cung cấp. Cơ quan chức năng có thể yêu cầu các công ty mạng xã hội cấm các tài khoản vi phạm theo luật Việt Nam.
Việt Nam thường bị quốc tế lên án về chính sách đàn áp quyền tự do bày tỏ ý kiến trên mạng. Luật An ninh mạng của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019 bị đánh giá là công cụ để đàn áp người dân lên tiếng trên mạng xã hội.
Xuân Hưng
>>> Việt Nam mong muốn phát triển sản xuất chip, nhưng liệu có đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư?
>>> Trung Quốc giúp Việt Nam chống tham nhũng hay giúp đấu đá phe phái?
>>> Dự án lấn vịnh Hạ Long đã bị tạm dừng
>>> “Công cuộc đốt lò” chuyển hướng mục tiêu
Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu lao động