Thời gian gần đây, dư luận thấy rằng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm không lo toan công việc chính của ngành công an, mà chỉ lo chen chân vào chức năng của những ngành khác, để thâu tóm lợi ích và thể hiện quyền lực. Có nhiều bằng chứng cho thấy, Bộ Công an đang có tham vọng quản lý toàn diện nhà nước và xã hội, thay cho Chính phủ.
Nhất là sau khi Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với 44 nhân sự chủ chốt, do Quốc hội bầu hay phê chuẩn, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã nhận số phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều nhất trong số 6/16 thành viên của Bộ Chính trị được Quốc hội bấm nút.
Giới quan sát thấy rằng, đó là bài học khiến cho Bộ trưởng Công an phải nhìn nhận lại và rút kinh nghiệm, nếu Tô Lâm vẫn nuôi tham vọng làm Tổng Bí thư – vị trí đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Và người ta không bất ngờ, khi trong phiên thảo luận tổ sáng 10/11 về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, đưa ra quan điểm cho rằng, “… tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng luật cũng phải phục vụ nhân dân, đảm bảo quyền lợi của người dân”.
Báo Dân trí ngày 10/11 có bản tin với tựa đề: “Bộ trưởng Công an: Luật chỉ có một, xe ưu tiên cũng phải dừng đèn đỏ”.
Theo Dân trí, góp ý về quy định liên quan “chỉ huy giao thông”, Đại tướng Tô Lâm dẫn chứng bài học ở các nước, đó là, họ làm rất chuẩn theo nguyên tắc, “đã ra đường chỉ có một luật và đèn đỏ phải dừng lại… song thực tế, ở Việt Nam, khi đèn đỏ, xe ưu tiên vẫn được đi qua. Như thế là xe ưu tiên không thực hiện luật”.
Chưa hết, vẫn theo ông Tô Lâm, “ở Việt Nam, mỗi khi có xe ưu tiên đi qua, cảnh sát giao thông vất vả, người dân cũng vất vả. Đang đèn xanh được đi thì lại phải đứng lại, để nhường đường cho xe ưu tiên, rất nguy hiểm. Người dân đúng đường, đúng luật phải được đi”.
Theo giới quan sát, dựa trên ý kiến của Bộ trưởng Tô Lâm, người ta có thể thấy rằng, ông Tô Lâm đang nói trước Quốc hội việc phải “sống và làm việc theo pháp luật” và “mọi người đều bình đẳng”, không ngoại lệ, không có ưu tiên cho bất cứ ai.
Một câu hỏi đặt ra, tại sao thái độ tôn trọng pháp luật của người đứng đầu ngành công an bỗng nhiên lại quay ngoắt 180 độ như vậy? Vì trước đây không lâu, Công an thành phố Hồ Chí Minh, trực thuộc Bộ Công an, đã có những hành xử theo “tiêu chuẩn kép”. Mà trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật, “tiêu chuẩn kép” nghĩa là, “hai vụ việc giống nhau được xử lý bằng các tiêu chuẩn khác nhau”.
Cụ thể:
- Công an thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt giam người mẫu Ngọc Trinh (có đội mũ bảo hiểm), vì lý do chạy xe mô tô nguy hiểm. Trong khi, hai anh em nghệ sĩ xiếc Giang Quốc Cơ, Giang Quốc Nghiệp, vừa chạy xe gắn máy, vừa biểu diễn xiếc chồng đầu, không đội nón bảo hiểm, là điều gây nguy hiểm gấp nhiều lần Ngọc Trinh, mà lại không bị xử lý?
- Công an thành phố Hồ Chí Minh tha bổng cho 4 tiếp viên Vietnam Airlines, xách hơn 11kg chất cấm bị bắt quả tang; còn với Ngọc Trinh, chỉ chạy xe mô tô thì lại bị khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng.
Điều 16 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 sửa đổi, đã hiến định rõ ràng: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Nghĩa là, tất cả mọi người đều có vị thế ngang nhau trước pháp luật, và có quyền không bị phân biệt đối xử.
Đó là chưa kể tới việc, vào tháng 7/2017, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã có mặt tại Đông Âu, để trực tiếp chỉ huy, điều hành hệ thống đặc vụ Việt Nam, tiến hành bắt cóc nghi can Trịnh Xuân Thanh tại trung tâm thủ đô Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức, rồi đưa về Việt Nam. Đây là một hành động bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền an ninh của nước Đức, mà trong cương vị Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, ông Tô Lâm tuyệt đối không được làm.
Cho nên, lời giải thích về việc, bất ngờ, ông Tô Lâm có thái độ “thượng tôn luật pháp”, có thể là: Nếu ở các quốc gia có nền chính trị dân chủ, đa nguyên, thì phát biểu ngắn gọn vừa kể của Bộ trưởng Tô Lâm, có thể được coi là một phần trong cương lĩnh tranh cử của cá nhân hay của một đảng chính trị, mà ông Tô Lâm là đại diện.
Do đó, có ý kiến hoài nghi tuyên bố vừa kể của Bộ trưởng Tô Lâm, được đưa ra lúc này, có phải là sự cam kết của một ứng viên cho chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 14 hay không?
Nếu đúng như thế, nói theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an, đang tự diễn biến tư tưởng và không dấu diếm tham vọng quyền lực.
Không biết, Tổng Bí thư Trọng lúc này còn đủ quyền lực để “ho he” với Bộ Trưởng Công an Tô Lâm nữa hay không?./.
Trà My – Thoibao.de