Link Video: https://youtu.be/_J-TpAdITnY
Ngày 13/11, RFA Tiếng Việt cho hay “Vụ san lấp tại khu vực vùng đệm vịnh Hạ Long qua trần tình của Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa”.
Theo đó, Cục trưởng Cục Di sản Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hiền, vào ngày 13/11, đã lên tiếng trần tình về dự án đang gây xôn xao công luận là lấp vùng đệm vịnh Hạ Long làm biệt thự, nhà liền kề.
RFA cho biết, bà Cục trưởng Di sản Lê Thị Thu Hiền, được truyền thông Nhà nước dẫn lời, trong phát biểu bên lề Hội nghị góp ý cho hồ sơ Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), rằng: “khu vực thực hiện dự án gây xôn xao dư luận nằm ở vùng đất đồi núi, đầm lầy, khu nuôi thả vịt, không có người dân, không có di sản, di tích, không có quy hoạch du lịch”. Theo lời bà Lê thị Thu Hiền, đây cũng là “khu vực cuối vịnh Bái Tử Long đổ ra biển”.
Bà Cục trưởng Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền còn dẫn quan điểm của UNESCO về phát triển, đưa ra hồi năm 2015, là “di sản văn hóa của Việt Nam đã phát triển đúng hướng, vừa bảo tồn được các giá trị cha ông để lại, vừa góp phần phát triển kinh tế – xã hội, du lịch, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Lời trần tình này của bà Hiền khiến người nghe liên tưởng đến phát ngôn của ai đó, từng cho rằng Hoàng Sa chỉ là “bãi chim ỉa”. Thực tế, cho dù đây là một vùng không dân cư, không quy hoạch du lịch, nhưng vẫn mang những đặc điểm của di sản và vẫn cần được bảo vệ. Không thể nói vì không quy hoạch mà có thể vô tư phá nát cảnh quan được, điều này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu.
Phát biểu này của bà Cục trưởng cho thấy, bà có vẻ cũng thiếu văn hóa như người Bộ trưởng lãnh đạo trực tiếp của bà.
Theo RFA, Dự án mà bà Lê Thị Thu Hiền nhắc đến là dự án nằm bên bờ vịnh Bái Tử Long, và gần tuyến đường ven biển Hạ Long – Cẩm Phả, với mức đầu tư 1.232 tỷ đồng. Dự án có diện tích gần 32 ha; trong đó có 3,88 ha thuộc vùng đệm Vịnh Hạ Long.
RFA cho biết thêm, dư luận trên mạng xã hội Việt Nam suốt những ngày qua lo ngại vịnh Hạ Long đang bị “xẻ thịt“, gây tác động xấu đến môi trường.
Trước thông tin báo động từ báo chí và mạng xã hội, vào ngày 6/11, Ủy ban Nhân dân thành phố Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) đã ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công, đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của Ủy ban Nhân dân thành phố Cẩm Phả để thực hiện các nội dung liên quan, trong công tác quản lý Nhà nước và các quy định của pháp luật Việt Nam.
Thực tế, xung quanh vụ lấp biển vịnh Hạ Long này có hai luồng dư luận. Một luồng dư luận cho rằng, cần làm đến nơi đến chốn, tìm ra và xử lý người có trách nhiệm cuối cùng, vì di sản là của toàn dân, bất kể Unesco có công nhận hay không. Di sản phải được bảo vệ cho con cháu đời sau, nếu không thì sẽ là tội đồ với cả tiền nhân và hậu nhân. Điển hình của luồng như luận này là nhà báo Nguyễn Thông với loạt bài “Di sản thế giới hay ao làng?” đăng trên Facebook cá nhân của ông, và được báo Tiếng Dân đăng lại.
Đồng quan điểm này còn có một số báo chính thống, ví dụ, báo Thanh Niên ngày 12/11 có bài “Lấn vùng đệm vịnh Hạ Long làm đô thị: Ai chịu trách nhiệm?” Bài báo này đặt vấn đề: “Liên quan đến dự án đổ đất, đá san lấp lấn vào vùng đệm vịnh Hạ Long ở tỉnh Quảng Ninh làm đô thị, dư luận đang không khỏi thắc mắc Công ty Đỗ Gia Capital hay tỉnh Quảng Ninh sẽ phải chịu trách nhiệm? Liệu cán bộ, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh có vô can?”
Một luồng dư luận trái chiều, cho rằng, khơi mào lên vụ việc này chẳng qua là cái cớ để đấu đá nội bộ, để triệt hạ lẫn nhau nhằm tranh giành quyền lực ở Đại hội 14 sắp tới. Mà người bị nhắm vào là đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính – người từng làm Bí thư Quảng Ninh giai đoạn 2011 – 2015. Điển hình của luồng dư luận này là Kiến trúc sư nổi tiếng Dương Quốc Chính.
Ý Nhi
>>> Chợ truyền thống ế ẩm, cảnh đìu hiu bao giờ mới hết?
>>> Vì sao trái cây Trung Quốc vào Việt Nam vẫn không bị kiểm soát?
>>> Làm ngơ vụ lấp biển ở vịnh Hạ Long, chính quyền tự vẽ bộ mặt thật của mình
>>> Chủ tịch nước đi thăm Mỹ và sự kỳ vọng vào việc đầu tư từ Mỹ sẽ cứu nền kinh tế Việt Nam
Bất động sản tiếp tục đóng băng, nhiều doanh nghiệp bên bờ vực phá sản