Trong một lần phát biểu trước cử tri tại Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng có phát biểu như sau:
“Bây giờ, Trung ương có chủ trương khuyến khích, anh nào mà đã có sai phạm rồi, tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền của đi, thì tôi miễn xử cho hoặc xử nhẹ đi, không phải xử nặng mới là tốt, không phải cắt hết tất cả mới là tốt. Vừa rồi mấy đồng chí Trung ương xin thôi, tức là phạm sai lầm là thôi ấy.
Tự giác. Khuyến khích hoan nghênh cho anh nghỉ công tác. Anh bù đắp lại cái tiền mà anh tha hồ tham nhũng. Đấy là cái mới đấy, rất nhân văn ấy. Chứ không phải bắt rồi xử lý các thứ. Còn nếu anh ngoan cố, anh không chịu, thì lúc đó mang anh ra xử. Chứ không phải xử nặng hay là đối xử với nhau như thế mới là tốt. Không phải. Khuyến khích ai đã trót nhúng chàm rồi thì rửa tay đi.”
Như vậy, ông Trọng có ý cho rằng, quan chức tham nhũng mà trả lại tài sản tham nhũng, và xin rút lui, thì được miễn tội hoặc xử nhẹ. Nghĩa là, ông Trọng ủng hộ việc quan chức nếu ăn không được thì nhả. Đây là quan điểm khuyến khích quan chức tham nhũng, chứ không phải là “nhân văn” như ông nói. Bởi ăn bao nhiêu cũng được, nếu bị phát hiện bao nhiêu, thì trả bấy nhiêu, như vậy, quan chức quá an tâm để mà tham nhũng. Họ chỉ có được hoặc hòa, chứ không phải mất mát gì, không phải trả giá gì.
Trái ngược với ông Nguyễn Phú Trọng, trong một lần trả lời VTC News, ông Lưu Bình Nhưỡng đã phát biểu rất rõ ràng, như sau:
“Ở đây chúng ta đang bàn về vấn đề hình sự, chứ không bàn về vấn đề đi đòi nợ. Và vấn đề hình sự ở đây là vấn đề tham nhũng, chứ không phải tội phạm kinh tế nói chung. Tôi lấy ví dụ như thế này. Tội trốn thuế, thì có thể vừa bị phạt tù vừa bị phạt tiền, mà vẫn phải hoàn lại số tiền mà anh đã biển thủ của nhà nước, tiền thuế của nhà nước. Có thể bị phạt rất nhiều lần cái số tiền mà anh đã trốn thuế đó, mà anh vẫn phải đi tù.
Như vậy thì, cái hình phạt hình sự nó nặng lắm. Chứ không chỉ là, anh trả lại cái tiền đó, thì anh không phải đi tù đâu. Và nếu chúng ta nhầm lẫn với cái này là không được. Thế nên, quan điểm của luật sư Khánh, tôi thấy rằng, nó rất rõ ràng với quan điểm là, chúng ta ở đây có 2 vấn đề. Một là vấn đề kinh tế, anh đã chiếm hữu, chiếm đoạt tài sản của nhà nước và xã hội rồi, thì anh vẫn cứ phải hoàn trả lại.
Nhưng mà, bởi vì hành vi của anh, với tư cách là một tội phạm, thì vẫn bị xử lý bình thường theo các quy định, có thể bị phạt tù.
Vấn đề thứ hai mà chúng ta hết sức lưu ý rằng, anh là cán bộ nhà nước, anh hơn dân là anh được cầm quyền lực nhà nước. Anh được sự tín nhiệm của người dân để anh đứng trong bộ máy công quyền. Anh được hưởng vinh hoa phú quý, anh lại còn tiếp tục sử dụng quyền lực đó. Anh không những được hưởng bổng lộc rồi, anh được hưởng đủ thứ trên đời này rồi, mà anh lại biển thủ, anh lại tham ô, anh ăn hối lộ nữa thì đương nhiên anh phải bị tội nặng hơn người khác chứ.
Tại sao anh lại nộp cái tiền mà anh lấy, rồi anh khỏi đi tù. Có nghĩa là thế này, anh không thể trốn tránh khỏi cái hình phạt, mà anh vẫn phải nộp lại tiền, chứ chúng ta không thể bao giờ thay thế bằng cách tiền nộp phạt xem như là xong.”
Đấy là lời phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng. Đây là quan điểm của một người hiểu biết luật pháp. Chỉ có làm như những gì ông Nhưỡng nói, thì pháp luật mới được thượng tôn. Ở các nước văn minh cũng có quy định như thế, chứ không thể dùng cách như ông Tổng. Nếu điều hành đất nước mà dùng cách như ông Tổng Bí thư, thì tham nhũng ngày một leo thang chứ không giảm. Và thực tế đã xảy ra y như vậy.
Việc “vả vào mồm” ông Tổng được xem là hành động “ăn gan hùm” và ông Lưu Bình Nhưỡng đã phải trả giá. Ông bị ghép vào tội “cưỡng đoạt tài sản”, một loại tội khiến nhiều người phải bất ngờ và cảm thấy khó tin.
Và sau khi ông Nhưỡng bị bắt, thì sẽ chẳng còn ai dám “ăn gan hùm” mà vả vào miệng cụ Tổng như thế nữa.
Ý Nhi – Thoibao.de