Ông Nguyễn Phú Trọng là con người 2 mặt, ông Trọng tận dụng rất tốt chủ nghĩa dân túy để lấy điểm trước toàn dân. Và một khi ông được số đông tin, thì những tin tức vạch trần thủ đoạn xấu của ông sẽ bị những người tôn thờ ông từ chối tiếp thu. Ông Trọng còn có lợi thế là được cả bộ máy tuyên truyền bốc thơm.
Công cuộc chống tham nhũng mà ông đang làm, là ông làm thật, không phải là bịa. Tuy nhiên, trong hành động này, chưa chắc ông đã thực sự muốn làm trong sạch bộ máy nhà nước, mà chủ yếu, ông đánh là để thanh lọc những người không thuộc “hệ sinh thái” quyền lực của ông mà thôi. Ông đánh thật, ông bắt người thật, nên một số người dân tin ông, cho dù người thay thế quan tham bị bắt ấy, cũng là một quan tham chưa bị lộ.
Chiến dịch đốt lò của ông Trọng được báo chí ra rả hằng ngày, nhưng những nguy hại do ông dẹp bỏ Tổng Cục 5 Bộ Công an, thì không tờ báo chính thống nào phân tích cho dân biết. Mà cho dù có biết, thì cũng chẳng báo nào dám đăng và cũng chẳng nhà báo nào dám làm điều này. Chỉ có báo tự do bên ngoài mới dám đào sâu vấn đề nguy hiểm này.
Hầu hết, tin tức được những người nằm bên trong Đảng Cộng sản nhưng không đồng tình với cách làm của ông Tổng, nên tuồn ra ngoài. Tuy nhiên, nếu báo chí bên ngoài đăng, thì cũng sẽ bị chính quyền Cộng sản tìm mọi cách chặn hoặc bóp tương tác.
Khi hệ thống tình báo bị suy yếu, thì rõ ràng, đối thủ sẽ hiểu ta nhiều hơn ta hiểu về họ. Và ngay trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, các vị lãnh đạo cấp cao cũng cảm thấy bất an và lo sợ trước ông “bạn vàng”, vì ông biết quá nhiều về các “đồng chí ta”. Cộng thêm việc các quan chức từng đi Trung Quốc, rồi về lăn đùng ra mắc bệnh lạ mà chết, cũng khiến không ít những người đang giữ các vị trí quan trọng trong Đảng phải “xanh mặt”. Trong số đó, không ít kẻ chọn cách sang nước bạn “tìm người đỡ đầu” cho sự nghiệp chính trị của mình.
Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam hồi tháng 9, thì quan chức cấp cao trong Đảng Cộng sản Việt Nam lại lũ lượt kéo nhau sang Trung Quốc một cách bất thường.
Đầu tiên là ông Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an – đi Trung Quốc ngày 13/9. Kế đến là ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng – đi Trung Quốc ngày 16/9. Ông Võ Văn Thưởng – Chủ tịch nước – đi Trung Quốc ngày 17/10. Ông Phan Văn Giang – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – đi Trung Quốc ngày 27/10. Ông Trần Hồng Hà – Phó Thủ tướng – đi Trung Quốc ngày 5/11. Và ngày 13/11, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh – cũng kéo cả đoàn sang Trung Quốc.
Bề ngoài thì những vị này đi “công tác”. Tuy nhiên, chưa có quốc gia nào, và chưa có thời điểm nào, quan chức lại kéo nhau sang Tàu với một cường độ dày đặc đến như thế. Thông tin nội bộ cho biết, những đồng chí này tranh thủ đi tìm tương lai chính trị cho mình, chứ chẳng phải công tác gì cả. Công tác chỉ là bình phong.
Hiện nay, không ai trong Đảng Cộng sản Việt Nam đủ tự tin để “không sợ Tàu”. Bởi cho dù có nắm chắc Tổng cục 2, thì cũng chưa chắc đã tự bảo vệ được mình, bởi Tổng cục 2 hiện đang lép vế trước Cục tình báo của nước bạn. Ngay cả ông Phan Văn Giang cũng phải sang Tàu để “tìm kiếm tương lai chính trị”, thì đủ thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng mạnh. Có chăng, họ chỉ mạnh so với dân thôi, còn so với nước bạn, họ như con nai trước miệng hổ.
Khi bức tường tình báo bị ông Nguyễn Phú Trọng xóa, thì gần như, ông Trọng đem Việt Nam “trao tay giặc”. Càng về sau, Tổng cục Tình báo Quân đội càng thu hẹp phạm vi hoạt động. Vì thế, sẽ còn nhiều quan chức nữa phải tranh thủ để sang được “nước bạn” một lần. Bởi không sớm tìm chốn nương thân, thì rất dễ bị các đồng chí thịt. Bài học của ông Tổng đã cho thấy rõ, ông mạnh lên là từ sự “biết tìm kiếm quyền lực” ở “bạn” mà thôi.
Ý Nhi – Thoibao.de