Cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát ngân hàng II – Ngân hàng Nhà nước – bà Đỗ Thị Nhàn – đã bị cơ quan điều tra cáo buộc nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn, lên đến 5,2 triệu USD (tương đương hơn 118 tỷ đồng), để bao che, bưng bít cho các sai phạm của bà Trương Mỹ Lan và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).
Đó là nội dung trong kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành, được truyền thông nhà nước đưa tin ngày 18/11. Điều đó cho thấy, công tác quản lý của nhà nước về hoạt động ngân hàng, hết sức yếu kém và có nhiều lỗ hổng.
Báo Tuổi trẻ ngày 19/11 đưa tin: “Vụ Vạn Thịnh Phát: Cả đoàn thanh tra bị mua chuộc để bưng bít cho sai phạm của SCB”.
Bản tin cho biết: “Liên quan vụ Vạn Thịnh Phát, ngoài cựu Cục trưởng Ngân hàng Nhà nước, nhận hối lộ 5,2 triệu USD, thì các thành viên còn lại trong đoàn thanh tra đều nhận tiền của SCB, ít nhất là hơn 100 triệu và người nhận nhiều nhất 8,7 tỉ.”
Tình trạng Cơ quan Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ để bỏ qua các sai phạm, với mục đích bao che, bưng bít, báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra cho Ngân hàng Nhà nước, để chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, là vấn đề mang tính hệ thống và đã kéo dài trong nhiều năm.
Từ đó, các cơ quan quản lý đã không có điều kiện kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm, trong vụ việc tham nhũng tài sản lớn, xảy ra tại Ngân hàng SCB, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước và người dân.
Việc bà Đỗ Thị Nhàn, chỉ mới là Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng, của Ngân hàng Nhà nước, năm 2018, với chỉ một Ngân hàng SCB mà đã nhận số tiền lối lộ đến 5.2 triệu USD, thì đằng sau đó, còn biết bao vấn đề cần được làm rõ.
Bộ Công an cho biết, bà Đỗ Thị Nhàn đã ba lần nhận “quà biếu” từ Ngân hàng SCB, cụ thể:
- Lần đầu tiên, vào giữa tháng 3/2018, bà Nhàn nhận một túi quà, trong túi đựng 200,000 USD ngay tại phòng làm việc.
- Tiếp đó, từ tháng 10 đến tháng 12/2018, bà Nhàn đã 2 lần nhận hối lộ: Một lần nhận một thùng xốp đựng 1 triệu USD, và lần thứ hai, nhận 2 thùng xốp, mỗi thùng chứa 2 triệu USD tại nhà riêng.
Kết luận Điều tra của Bộ Công an thể hiện rõ, khi nhận quà, bà Nhàn đã hỏi ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, đó là tiền gì. Thì ông Võ Tấn Hoàng Văn nói rằng, “Đây là tiền của bà Trương Mỹ Lan cảm ơn bà, vì đã trợ giúp SCB trong quá trình thanh tra.”
Báo Tuổi Trẻ cho hay, bà Đỗ Thị Nhàn nhận khoản tiền nêu trên, do đã “hướng dẫn” Ngân hàng SCB cách xóa dấu vết về các sai phạm của Ngân hàng này, trong hoạt động cho vay, đồng thời đã bỏ qua, không xử lý nhiều sai phạm của nhà băng này.
Dư luận xã hội cho rằng, số tiền 5.2 triệu USD, bà Nhàn không thể hưởng một mình, mà phải chia chác cho nhiều người khác, không nằm trong Cục Thanh tra. Đây chỉ là một vụ việc, của một cá nhân đối với một nhân hàng. Vậy thì, còn hàng chục ngân hàng khác thì sẽ xử lý như thế nào?
Điều đó cho thấy, việc nhũng nhiễu cũng như sự lũng đoạn và thao túng của các nhóm lợi ích đối với quyền lực nhà nước, như ở chỗ không người. Dưới danh nghĩa thanh tra các sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, là việc làm thông suốt, có sự chỉ đạo từ trên xuống dưới. Mà mục đích cuối cùng cũng chỉ là: “Thanh tra, thanh mẹ, thanh dì; Cứ có phong bì là nó thank you”.
Xin nhắc lại, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa 13 (tháng 10/2023), một nhân vật đã bị Đảng “thịt”. Đó là ông Lê Đức Thọ – đương kim Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, nguyên Tổng Giám đốc Vietinbank. Ông Thọ bị cáo buộc là có tiền gửi trong ngân hàng, lên đến 3.000 tỷ, nếu tính cả cổ phiếu, thì tổng tài sản của ông Thọ lên đến 4000 tỷ. Thông tin này có lẽ là đáng tin.
Vậy mà, tin hành lang tiết lộ cho biết, Lê Đức Thọ phân bua rằng, anh ta bị “đánh hội đồng”. Rằng Thọ làm sao giàu bằng Lê Minh Hưng, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, và hiện là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, một nhân vật thân tín của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, con trai ông Lê Minh Hương, cựu Bộ trưởng Bộ Công an.
Các nguồn thạo tin cho biết, những ông bà sở hữu ngàn tỷ không kém Lê Đức Thọ, từng là lãnh đạo chủ chốt ngân hàng, đang hiện diện trong Trung ương khoá 13, như: Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bí thư Hưng Yên ông Nguyễn Hữu Nghĩa… đều có tài sản gửi ở ngân hàng nước ngoài, ít nhất cũng vài trăm triệu USD.
Điều đó cho thấy, nhóm lợi ích ngân hàng đã bắt tay nhau để bóp cổ các doanh nghiệp, thông qua việc thanh kiểm tra, để kiếm chác. Đây là việc cần phải làm rõ càng sớm càng tốt./.
Trà My – Thoibao.de