Quốc hội Việt Nam lâu nay vẫn chỉ là Quốc hội bù nhìn, hầu hết những đại biểu có mặt tại nghị trường đều là những “ông nghị gật”. Tuy cũng có những tiếng nói nghe được, nhưng rất lẻ loi. Thường những tiếng nói này do Đảng Cộng sản dựng lên để “làm kiểng”, để Quốc hội trông có vẻ dân chủ. Hầu hết những gương mặt có tiếng nói đứng về phía dân, dân đều biết. Biết vì họ quá ít so với rừng nghị gật, biết vì họ nói dân nghe mát lòng.
Trong số những tiếng nói thay dân trên nghị trường, trước đây có ông Dương Trung Quốc, ông Quốc làm Đại biểu Quốc hội 4 nhiệm kỳ. Ông là người thường xuyên có tiếng nói mà người dân tán thưởng.
Tuy nhiên, đến nhiệm kỳ thứ tư của ông, tức là Quốc hội khóa 14, ông gần như chẳng đóng góp được tiếng nói nào đáng chú ý.
Ở Quốc hội khóa 14, ông Lưu Bình Nhưỡng nổi lên như là một Đại biểu Quốc hội dám nói thẳng. Khi ông Nhưỡng nổi lên, thì ông Dương Trung Quốc chìm dần. Tuy nhiên, nhiều người đánh giá rằng, về mức độ hiểu luật, khả năng phân tích, và mức độ can đảm, thì ông Lưu Bình Nhưỡng được đánh giá là vượt trội. Đặc biệt, giới luật sư đánh giá rất cao những ý kiến đóng góp của ông Lưu Bình Nhưỡng, mặc dù những ý kiến của ông Nhưỡng hầu hết bị Đảng Cộng sản bỏ ngoài tai.
Tại Quốc hội khóa 14, ông Lưu Bình Nhưỡng được chọn làm Phó ban Dân nguyện. Ông Nhưỡng được chọn vì ông có nhiều đề cử cho chức vụ này, hơn nữa, ông từng có 22 năm giảng dạy tại trường Đại học Luật Hà Nội. Trưởng ban Dân Nguyện phải là Ủy viên Trung ương Đảng, nên ông Nhưỡng, dù rất am hiểu luật, dù là người có trình độ, vẫn chỉ là phó ban. Ông Trưởng ban Dân nguyện có nhiệm vụ nghe ngóng xem, dân ca thán những gì, sau đó mách cho Đảng để nghĩ cách đối phó, chứ không phải lấy ý kiến của dân để nghiên cứu, xem xét, rồi giải quyết những vấn đề khúc mắc của dân, cũng như sửa đổi chính sách cho hợp lòng dân.
Ban Dân nguyện được thành lập theo Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11, ngày 17/3/2003, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ khi thành lập, đa số thành viên của Ban này đều dễ sai bảo. Họ tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của dân, rồi tâu lại, để Đảng tìm cách trừng trị dân.
Đã 20 năm tồn tại, nhưng trong Ban Dân nguyện chỉ có ông Nhưỡng thực sự lắng nghe dân, tiếp nhận đơn thư cầu cứu của dân, rồi vì dân mà phang thẳng vào mặt quan chức trên nghị trường. Ông Nhưỡng thực sự làm cho quan chức Trung ương lo sốt vó, mỗi khi ông đăng đàn Quốc hội.
Việc chấp nhận để ông Nhưỡng làm Đại biểu Quốc hội, được xem như là sai lầm của Đảng. Chính vì thế, đến Quốc hội khóa 15, Trung ương chỉ đạo ngầm là phải loại ông Nhưỡng ra khỏi Quốc hội, để tránh đêm dài lắm mộng. Tuy nhiên, vẫn giữ lại chức Phó ban Dân nguyện cho ông Nhưỡng, để tránh “thiên hạ dị nghị”.
Tuy bị gạt ra khỏi Quốc hội khóa 15, nhưng ông Lưu Bình Nhưỡng vẫn là địa chỉ mà người dân tìm đến để cầu cứu.
Không chỉ dân tìm đến ông Nhưỡng, một nguồn tin từ bên trong cho chúng tôi biết, cả “quan oan” cũng tìm đến ông. Bởi những năm gần đây, khi Trung ương đấu nhau chí tử, thì xuất hiện những quan chức bị phe ông Tổng truy sát và có ý đồ loại trừ, những người này đã tuồn cho ông Nhưỡng những bí mật đáng tởm của các quan chức phe đối nghịch.
Không biết sự thật đến đâu, tuy nhiên, thông tin này khó bác bỏ, khi mà chuyện đấu đá nội bộ đã bị tuồn khá nhiều ra bên ngoài, để rồi các trang tin lề trái có rất nhiều thông tin để đăng tải, sau đó, thông tin từ hải ngoại bay ngược về trong nước.
Nguồn tin nói trên cho biết, có thể, trong tay ông Lưu Bình Nhưỡng nắm giữ những bí mật động trời, mà phe bắt ông không muốn nó rơi vào tay đối thủ. Vì vậy, khi bắt ông Nhưỡng, công an đã khám xét nhà rất kỹ, rất bất ngờ, để ông Nhưỡng không kịp trở tay.
Hiện nay, Tổng cục 2 cũng là nơi nắm được nhiều bí mật của đồng chí. Có người nói nửa đùa nửa thật rằng, “ông Nhưỡng nắm bí mật của các đồng chí, có khi còn khủng hơn cả Tổng cục 2”, nên ông phải bị xử mà thôi.
Ý Nhi – Thoibao.de