Chạy chức: Đoàn Thanh niên, bệ phóng cho Đinh La Thăng và Tất Thành Cang (phần 6)

Bệ phóng của tổ chức tầm gửi – Đoàn Thanh niên – cũng đã phóng thủ lĩnh của tổ chức này – ông Đinh La Thăng – vào không gian quyền lực quốc gia. Ông Thăng đã nhảy cóc mau lẹ, và liên tục thăng tiến trên những nấc thang quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước.

Từ một Kế toán trưởng kiêm Bí thư Đoàn Thanh niên của Tổng Công ty Xây dựng Thuỷ điện Sông Đà, ông trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tổng Công ty Xây dựng Thủy điện Sông Đà, đồng thời là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Sau đó ông chuyển sang làm công tác Đảng, với vị trí Phó Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế. Tiếp đó, ông làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam – Petrovietnam, đồng thời là Uỷ viên Trung ương Đảng. Ông tiếp tục leo lên đến vị trí Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Uỷ viên bộ Chính trị, và cuối cùng là Bí thư Thành uỷ thành Hồ.

Tuy có bằng Tiến sĩ Kinh tế của Đại học Kế toán Tài chính Hà Nội, nhưng ông Thăng vẫn sử dụng Đoàn Thanh niên như một bệ phóng, giúp ông thăng tiến nhanh hơn, cả về quyền lực nhà nước lẫn vị trí trong Đảng.

Tuy nhiên, trong vai trò quản lý nhà nước, ông Đinh La Thăng đã để xảy ra thất thoát hàng ngàn tỷ của dân, và cuối cùng phải nhận bản án 30 năm tù.

Một ông quan khác tiến thân từ cán bộ Đoàn là Tất Thành Cang. Ông Cang chỉ có con người hình hài, con người giá áo túi cơm, trống rỗng lý tưởng xã hội, tham vọng quyền lực chỉ để vinh thân phì gia càng.

Đánh hơi thấy cái bệ phóng thần kì của tổ chức Đoàn, ông Cang hăng hái làm công tác Đoàn từ khi còn là một anh lính nghĩa vụ quân sự. Thành tích hoạt động cho tổ chức Đoàn trong quân đội, cho ông Cang chức Phó Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội sinh viên trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, sau khi ông rời quân ngũ và vào đại học.

Rời trường đại học, ông Cang có ngay chiếc ghế chức sắc cao trong tổ chức tầm gửi chính trị Đoàn Thanh niên thành Hồ: từ  Phó ban; rồi Trưởng ban Đại học Chuyên nghiệp Thành đoàn; Thường vụ Thành đoàn; Phó Bí thư, rồi Bí thư Thành đoàn, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn.

Là “lực lượng hậu bị của Đảng”, từ văn phòng của người đứng đầu tổ chức Đoàn, ở các tỉnh, thành phố, đều có cửa ngách và lối đi rất ngắn sang cơ quan tỉnh uỷ, thành uỷ…

Lối đi đó đã đưa Bí thư Thành đoàn thành Hồ – Tất Thành Cang – sang cơ quan Thành uỷ thành Hồ, ngồi vào ghế Thành uỷ viên Thành uỷ Đảng Cộng sản. Khi đó Ủy viên Trung ương Đảng, phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành Hồ, xuất thân từ anh thợ hàn và khởi nghiệp từ cán bộ Đoàn – ông Lê Thanh Hải – đang gấp gáp tập hợp ê kíp để thâu tóm quyền lực.

Cùng khởi nghiệp từ cán bộ Đoàn như ông Hải, nên ông Cang được ông Hải tin dùng, từ đó thăng tiến rất nhanh. Ông Cang nhanh chóng leo lên các vị trí: Uỷ viên Ban Chấp hành Thành uỷ thành Hồ; Giám đốc Sở Giao thông Vận tải; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân; Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ thành Hồ.

Không chỉ gây tội ác với dân Thủ Thiêm, khi còn là Giám đốc sở Giao thông Vận tải, ông Cang đã nâng khống giá thành làm 12 kilomet đường Thủ Thiêm, khi ngân sách nhà nước chi tiền làm đường. Là Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, quản lý một doanh nghiệp Đảng có tên Tân Thuận, trực thuộc Thành uỷ, ông Cang đã hạ giá bất thường cho 32 ha đất ở Phước Kiển, Nhà Bè, do Công ty Tân Thuận quản lý, khi doanh nghiệp này bán đất cho một công ty tư nhân. Hai phi vụ làm đường và bán đất gây thiệt hại cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng, để mình ông Cang được doanh nghiệp tư nhân lại quả hàng trăm ngàn tỉ đồng.

Ông Cang đã ký hợp đồng cho nhà đầu tư làm 12km đường Thủ Thiêm, với giá 1.000 tỷ đồng một kilomet đường. Trong khi, cao tốc Sài Gòn – Trung Lương rộng gấp đôi đường Thủ Thiêm, lại phải qua hàng chục km đất yếu, sình lầy kênh rạch, phải tốn chi phí rất lớn để nâng nền đường, mà giá đầu tư một kilomet cao tốc này cũng chỉ 220 tỉ đồng.

Đường trong khu đô thị Thủ Thiêm có nền đất vững chắc, dân đã cất nhà sinh sống nhiều thế hệ. Hợp đồng mà ông Cang ký cho nhà đầu tư làm đường Thủ Thiêm, mỗi kilomet đường đã gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hơn 700 tỷ đồng. Làm 12 kilomet đường Thủ Thiêm, ngân sách nhà nước thất thoát hơn 8.400 tỷ đồng.

Ông Cang còn chỉ đạo và ký duyệt hợp đồng, cho phép Công ty nhà nước Tân Thuận bán 32 ha đất Phước Kiển chỉ với giá 419 tỉ đồng. Trong khi, 32 ha đất Phước Kiển, theo giá thị trường tại thời điểm đó, phải hơn 2000 tỷ đồng. Chỉ riêng việc bán 32 ha đất này, ông Cang đã gây thiệt hại hơn 1500 tỷ đồng.

Ý Nhi – Thoibao.de