Link Video: https://youtu.be/w4X-XS9-JZg
Ngày 26/11, báo Tuổi Trẻ cho hay “Dùng bằng tiến sĩ giả làm trưởng, phó khoa nhiều trường đại học, cao đẳng”.
Theo đó, nhiều trường đại học, cao đẳng ở Sài Gòn tỏ ra bất ngờ trước thông tin, ông Nguyễn Trường Hải – người từng là giảng viên, thậm chí giữ chức trưởng khoa, phó khoa ở các trường này, sử dụng bằng giả.
Tuổi Trẻ dẫn lời lãnh đạo trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam cho biết, ông Nguyễn Trường Hải (sinh năm 1981) – Trưởng khoa Công nghệ thông tin của trường, đã nghỉ việc từ đầu tháng 11/2023, sau khi trường xác minh ông này dùng bằng tiến sĩ giả.
Trước đó, đầu tháng 9/2023, ông Nguyễn Trường Hải nộp hồ sơ xin việc vào trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam, và được bổ nhiệm giữ chức Trưởng khoa Công nghệ Thông tin vào ngày 18/9.
Tuy nhiên, hồ sơ của ông Hải lại không có bằng đại học, ông Hải khai bị mất và chờ xác minh lại.
Cả bằng thạc sĩ (cấp năm 2010) và bằng tiến sĩ (cấp năm 2022) của ông Nguyễn Trường Hải đều do trường Đại học Khoa học tự nhiên, thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, cấp.
Vị lãnh đạo trường Cao đẳng Công thương Việt Nam cho hay, ông được một người bạn đề nghị xem xét lại bằng cấp của ông Hải.
Ông đã qua trường Đại học Khoa học tự nhiên để xác minh, và kết quả là bằng giả. Tuy ông Hải vẫn khẳng định là bằng thật, học thật, nhưng chỉ vài hôm sau, ông làm đơn xin nghỉ việc, với lý do “bận việc gia đình“.
Tuổi Trẻ dẫn lời đại diện trường Đại học Văn Hiến xác nhận, tháng 10/2022, trường này có phỏng vấn ông Nguyễn Trường Hải, ứng tuyển vị trí Phó trưởng khoa Công nghệ Thông tin. Trong hồ sơ xin việc ông Hải nộp cho trường này, cũng có bằng thạc sĩ và tiến sĩ với thông tin tương tự như trên.
Tuy nhiên, ông Hải chưa dạy ngày nào tại trường Đại học Văn Hiến, dù có đến thử việc trong một thời gian ngắn.
Trong khi đó, Tuổi Trẻ cho hay, trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, từ năm 2016 đến năm 2018, ông Nguyễn Trường Hải có cộng tác với trường trong vai trò giảng viên thỉnh giảng. Khi đó, ông Hải sử dụng bằng thạc sĩ tin học và phụ trách đứng lớp một số môn của khoa Công nghệ Thông tin.
Theo Tuổi Trẻ, một số trường đại học công lập và tư thục ở Sài Gòn cũng cho hay, ông Nguyễn Trường Hải từng làm giảng viên thỉnh giảng tại trường mình trong một thời gian ngắn.
Một điểm chung các trường này cho biết là, sau khi có thông tin phản ánh vấn đề bằng cấp và bị xác minh, ông Hải đều cắt đứt các liên lạc với nhà trường.
Tuổi Trẻ dẫn xác nhận của đại diện trường Đại học Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, theo đó, văn bằng tiến sĩ của Nguyễn Trường Hải không đúng với dữ liệu lưu trữ tại trường.
“Trường hợp người sử dụng bằng tiến sĩ, thạc sĩ tên Nguyễn Trường Hải này, nhà trường đã xác minh nhiều lần và khẳng định, đây là bằng giả. Chỉ cần nhìn văn bằng là biết giả. Người này chưa từng là học viên của trường“, vị đại diện này khẳng định.
Bằng thạc sĩ của ông Hải cũng không có dữ liệu tại trường. Bản sao văn bằng này không rõ, trong đó chi tiết ghi “bảo vệ luận án” là không đúng, vì với thạc sĩ chỉ làm luận văn.
Tình trạng sử dụng bằng giả ở Việt Nam thời gian qua là khá phổ biến, tuy nhiên, đa số “bằng giả” là do cơ sở giáo dục không đạt chuẩn, không được sự công nhận và cho phép của Bộ Giáo dục, cấp, ví dụ như vụ Đại học Đông Đô.
Hơn nữa, đa số người sử dụng bằng giả là để thăng quan tiến chức, để làm quan. Không mấy ai dùng bằng giả để tham gia giảng dạy, vì việc giảng dạy cần phải có kiến thức tối thiểu, tương ứng với trình độ ghi trên văn bằng giả.
Trường hợp ông Nguyễn Trường Hải có thể coi là khá hy hữu, vì vừa sử dụng bằng được làm giả hoàn toàn, lại vừa tham gia giảng dạy ở bậc đại học, là bậc cần phải có kiến thức mới có thể giảng dạy được.
Minh Vũ
>>> Tô Lâm để C03 áp dụng tội danh không nhất quán, tạo điều kiện cho việc chạy án làm giàu?
>>> Lãnh đạo Chống tham nhũng trục lợi trong việc bảo vệ cho quan tham nhũng như thế nào?
>>> Chạy chức: Đoàn Thanh niên, bệ phóng cho Đinh La Thăng và Tất Thành Cang (phần 6)
>>> Chạy chức: Hai Nhật – anh thợ hàn gây đại họa, Tổng ngó lơ (phần 5)
Công lý nào cho nạn nhân SCB?