Link Video: https://youtu.be/OzzH_GqmLIg
Ngày 28/11, VOA Tiếng Việt có bài “Vật tư y tế “giá rẻ” từ Trung Quốc: Nỗi khổ của bác sĩ và rủi ro của bệnh nhân”.
VOA dẫn lời một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phẫu thuật não và lồng ngực, cho biết, ông mới thấu hiểu nỗi khổ của người bệnh khi phải dùng các loại vật tư y tế giá rẻ từ Trung Quốc.
Theo ông, vật tư y tế giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào hệ thống y tế Việt Nam, là kết cục của quá trình thanh tra toàn diện các dự án cung cấp thiết bị và vật tư y tế thời gian qua, từ đó các bệnh viện đồng loạt tiến hành đấu thầu lại.
“Đấu thầu thì Trung Quốc họ vào và thả giá rất thấp, xong rồi về mới sản xuất (theo giá đó), nên giờ 99% là Trung Quốc trúng thầu. Mà Trung Quốc trúng thầu thì chất lượng không ra gì. Đến bây giờ sự hiện diện của hàng Mỹ và hàng châu Âu tại Việt Nam có lẽ chưa được 1%.”
“Ví dụ, một lưỡi dao mổ bình thường là 1.000 đồng/chiếc. Nhưng một ca mổ chỉ cần dùng một cái thôi. Nhưng khi đưa cấu hình là phải thế này thế kia, là thép… thì Trung Quốc sản xuất giống hệt và bán giá là 200 đồng. Nhưng một ca mổ lại phải dùng đến 6 lưỡi. Như thế là, mặc dù họ trúng thầu nhưng cuối cùng lại đắt hơn. Như thế là bác sĩ khổ mà bệnh nhân cũng khổ vì tốn tiền hơn. Mà chưa kể là mình không giải trình về bảo hiểm cho bệnh nhân được, vì bảo hiểm sẽ hỏi là một ca mổ rạch cái gì mà dùng tới 6 lưỡi dao,”ông phân tích.
“Nhiều khi bệnh nhân chết mà chắc chắn họ không hiểu lý do tại sao. Hay lấy ví dụ các loại dịch hay kháng sinh”, vị bác sĩ nói.
VOA dẫn lời một đại diện doanh nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thiết bị và vật tư y tế cho các bệnh viện trên cả nước nhiều năm qua, chia sẻ:
“Đồ Trung Quốc cũng có dăm bảy loại. Đồ Trung Quốc mà loại tốt thì cũng đắt chẳng kém đồ châu Âu hay đồ Mỹ. Nhưng nếu nhập hàng đấy về bán, thì lấy đâu tiền “đút vào mồm” cho “bọn kia”. Giống như làm đường đấy. Giao cho anh làm mà anh phải “phết” lại mấy chục phần trăm, thì lấy đâu còn tiền để anh làm công trình cho tử tế được.”
“Việt Nam mình cơ chế như thế, chứ không phải người Việt Nam mình thích dùng hàng kém chất lượng đâu. Người Việt Nam người ta cực kỳ chịu chi cho đồ hiệu, đồ tốt nhất là trong lĩnh vực y tế. Nhưng cơ chế nó như thế,” anh lý giải.
Vị chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phẫu thuật não và lồng ngực cho biết:
“Những hãng không đấu thầu vào viện được thì người ta ký gửi tại các nhà thuốc ngoài cổng viện, thì người nhà ra đấy mua thôi.”
Tuy vậy, theo vị chuyên gia này thì đây cũng chỉ là “giải pháp tình thế”. Không phải gia đình bệnh nhân nào cũng có điều kiện để mua đầy đủ các loại thiết bị vật tư y tế vốn không hề rẻ này.
“Mình tiếc cái công học hành thì mình theo đuổi làm trong bệnh viện nhà nước, nhưng mà chắc năm tới cũng tính ra bệnh viện ngoài làm thôi. Chứ làm thế này chán lắm. Chẳng có hiệu quả gì cả, vì mình làm gì có trang thiết bị mà làm. Còn nếu cố làm mà không cẩn thận, để bệnh nhân chết thì… Thôi ra ngoài mổ mấy ca nhẹ mà kiếm tiền,” chuyên gia này tâm sự.
VOA tiếp tục dẫn lời một lãnh đạo phụ trách vật tư và trang thiết bị y tế tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội cho biết, tình trạng tràn ngập của các loại vật tư y tế giá rẻ từ Trung Quốc, tại hầu khắp các bệnh viện hiện nay, có nguyên nhân từ quy định cách đây 2 năm trong việc chọn lựa nhà cung cấp.
“Bây giờ chúng tôi bị bắt phải đấu giá qua mạng. Tức là, đưa lên một cái đề bài thì nhà cung cấp sẽ đấu giá và mình chấm ở trên mạng. Sau đó, ai được thì họ mới mang hàng đến cho mình. Thế là Trung Quốc cứ nhảy vào đấu giá, mà đồ Trung Quốc thì làm sao mà tốt được.”
Anh cho biết thêm, theo quy định thì cứ ai chào giá rẻ nhất là phải mua, nếu không sẽ là làm sai và nhiều khả năng bị thanh tra, kiểm tra.
Xuân Hưng
>>> Chạy đại biểu Quốc hội để làm gì?
>>> Đảng chống tham nhũng chỉ là “đánh trận giả”
>>> Kỷ cương hành chính chưa chào đời
>>> Dự luật yêu cầu lắp camera hành trình trên xe máy bị phản đối
Vì sao Orsted rời khỏi Việt Nam?