Từ năm 2013, Bộ Công an được Chính phủ giao soạn thảo Luật Biểu tình. Những đã 10 năm, Bộ Công an vẫn cứ trơ trơ, không hề quan tâm đến việc họ đang nợ dân. Bắt đầu từ thời ông Trần Đại Quang làm Bộ trưởng, và cho đến nay, thời ông Tô Lâm vẫn thế.
Ở các nước dân chủ theo Tổng thống chế, các nghị sĩ sẽ đề xuất và soạn thảo các luật, sau khi tham khảo ý kiến của các bên liên quan. Trong thể chế Đại nghị, chính phủ cũng là nơi trình các dự luật lên quốc hội. Tuy nhiên, dù Tống thống chế hay Đại nghị chế, thì vai trò của các nghị sĩ, các đại biểu quốc hội cũng rất quan trọng. Họ có quyền xem xét dự luật và đưa ra các yêu cầu sửa đổi, cuối cùng, họ có quyền tham gia vào việc quyết định thông qua hay không thông qua một dự luật.
Còn ở Việt Nam, các đại biểu Quốc hội chỉ có nhiệm vụ gật theo ý Đảng, nên chẳng có quyền hành gì trong việc đòi hỏi Bộ Công an phải thực hiện lời hứa.
Nói tóm lại, nếu là quốc hội có thực quyền, thì dù cho luật do quốc hội soạn hay do chính phủ soạn, thì quốc hội mới là bên quyết định. Ở các nước Đại nghị, nếu chính phủ giở trò không soạn thảo dự luật được yêu cầu, hoặc thực hiện các chính sách không được lòng dân, thì quốc hội có quyền giải tán chính phủ đó.
Thực ra, Đảng Cộng sản không muốn cho dân biểu tình, nhưng vẫn phải đưa quyền biểu tình Hiến pháp. Mục đích của Đảng Cộng sản là tạo ra bản Hiến pháp trông có vẻ dân chủ, để lừa dân và lừa cả các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, do người dân đòi hỏi luật hóa vấn đề này, nên Đảng Cộng sản giở trò, vờ giao cho Bộ Công an biên soạn, nhưng thực chất là chỉ đạo cho Bộ Công an treo vĩnh viễn dự luật này. Đó là lý do, vì sao đã qua 2 đời Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng vẫn không luật hóa được vấn đề này.
Ai chỉ đạo cho trò cù nhầy này của Bộ Công an, nếu không phải là ông Nguyễn Phú Trọng?
Miệng thì hô hào “nhà nước của dân, do dân và vì dân”, nhưng thực chất, Đảng Cộng sản luôn tìm mọi cách bịt miệng, còng tay dân, để dân không thể nào cựa quậy được, thì họ mới an tâm. Cấm tự do báo chí là bịt miệng dân, giở trò cù nhầy với Luật Biểu tình là trói tay dân. Ngoài ra, còn rất nhiều chiêu trò khác mà Đảng đã áp dụng, mục đích là muốn kiểm soát hoàn toàn nhân dân.
Đảng viên thì đạo đức giả, Đảng thì dân chủ giả, tự do giả vv… Việc dựng lên Quốc hội cũng là giả, chỉ làm để cho có vẻ dân chủ. Trước đây, họ còn cho phép một vài người được lên tiếng vì dân, để tạo ra bầu không khí có vẻ vì dân ở nghị trường. Trước đây là ông Dương Trung Quốc, sau đó đến ông Trương Trọng Nghĩa, và mới đây là ông Lưu Bình Nhưỡng. Khi thấy ông Nhưỡng nhiệt tình với dân quá thì họ đâm ra lo ngại, nên đá ông văng khỏi vai trò Đại biểu Quốc hội khóa 15, rồi ngang nhiên bắt ông mà không đưa ra lý do thỏa đáng.
Từ việc chỉ đạo Bộ Công an cù nhầy Luật Biểu tình, rồi chỉ đạo Bộ Công an bắt ông Lưu Bình Nhưỡng, cho thấy, chủ trương của Đảng Cộng sản là nhất quán. Đó là loại bỏ hết mọi quyền lợi mà người dân có thể có.
Quan thì tham lam ăn của dân không chừa một thứ gì, họ cấu kết nhau ra chính sách trấn lột dân để chia chác. Ông Tổng dựng lên vở tuồng chống tham nhũng, như là cách vừa cho dân “uống nước đường”, vừa loại bỏ “tạp chất” trong cơ cấu quyền lực, trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Phú Trọng.
Nếu ông Trọng thực sự vì dân, thì ông đã không chỉ đạo Bộ Công an cù nhầy Luật Biểu tình, ông đã không chỉ đạo loại bỏ những tiếng nói có lợi cho dân.
Hiện nay, vụ án Lưu Bình Nhưỡng càng hiện ra bộ mặt của chế độ, họ bắt người tùy tiện. Bắt trước bằng một tội vớ vẩn, rồi tiến hành bới lông tìm vết để buộc tội sau. Ông Tô đang cho Công an Thái Bình gom hết các công văn giấy tờ mà ông Lưu Bình Nhưỡng đã gửi đi các nơi, mục đích là để tránh lọt ra ngoài và cũng là cách bới lông tìm vết, để cố ghép tội cho ông Lưu Bình Nhưỡng mà thôi.
Ý Nhi – Thoibao.de