Việc Bộ Công an mới đây đưa ra đề xuất quy định, dao có tính sát thương cao, là một trong các loại vũ khí, phải đưa vào diện quản lý, thay vì “thả nổi” như hiện nay.
Báo Thanh Niên ngày 4/12 đưa tin, “Bộ Công an đề xuất quy định dao là vũ khí”. Theo đó, Bộ Công an vừa hoàn tất Dự thảo luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Theo đề xuất của Bộ Công an, các loại dao có tính sát thương cao sẽ thuộc danh mục vũ khí thô sơ.
Lập tức, dư luận trên mạng xã hội đưa ra các ý kiến không đồng tình, khi Bộ Công an giải thích:
“Do luật hiện hành không quy định dao là vũ khí, hành vi sử dụng dao chỉ bị xử lý khi nghi phạm phạm tội hình sự (giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…), không thể xử lý theo hướng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí”.
Đây là sự ngụy biện, phải chăng, mục đích là tạo điều kiện để kiếm tội, lấy cớ bắt người. Vì dao là một vật dụng thông thường trong sinh hoạt, và là công cụ lao động. Nếu đưa ra quy định dao là vũ khí, thì muốn ghép tội hay bắt giữ bất kỳ công dân nào, lấy lý do tàng trữ vũ khí là bắt được ngay. Đây là một điều hết sức nguy hiểm.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, Bộ Công an đang muốn người dân quay về thời kỳ “ăn lông, ở lỗ”. Không cho dùng dao, thì để người Việt dùng đá sắc nhọn thay dao, dùng răng và chân để xé miếng thịt, hay để người đân phải gặm xương như dã thú, thì Bộ trưởng Công an mới hài lòng.
Con người có thể sử dụng rất nhiều đồ vật để làm vũ khí gây sát thương. Ví dụ, một thanh sắt, một hòn đá, một cái búa, kể cả một thanh củi… cũng có thể giết người, không cứ gì con dao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, ngày 19/12/1946, có nói: “Ai có súng dùng súng, không có súng dùng gậy gộc, giáo mác…” Nghĩa là, bất kỳ thứ gì có thể gây sát thương cho kẻ thù, thì người dân hãy sử dụng, để làm vũ khí chống lại quân thù.
Nếu thế, sao Bộ Công an không cấm luôn cả gậy gộc, gạch đá… cho xã hội an toàn toàn diện.
Trong khi, nghĩa của từ “vũ khí sát thương” thì rộng mênh mông, vận động người dân thảo luận cũng chỉ mất thời gian, và chắc chắn không có hồi kết. Có thể, đây là hành động ném đá dò đường của Bộ Công an, để thử phản ứng của dư luận.
Con dao là công cụ lao động và được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, đáp ứng cho từng công việc khác nhau. Dao không sắc làm sao mổ lợn, mổ gà, yêu cầu dao phải ngắn hơn 20cm thì lao động đi rừng chặt củi, phát nương rẫy bằng gì? Tại sao Bộ Công an lại tự đẻ ra việc gọi công cụ lao động hàng ngày của người dân là vũ khí?
Điều này có liên quan gì đến việc dư luận cho rằng, Bộ Công an nói riêng và Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, luôn coi nhân dân là “thế lực thù địch” hay không?
Lực lượng Công an Nhân dân, thay vì thực hiện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh – “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” – thì nay ngược lại, họ luôn luôn coi nhân dân là kẻ thù.
Việc lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, là trái với lời dạy của Bác Hồ.
Mới đây, học giả Nhân Tuấn Trương đã viết trên trang Facebook cá nhân, đưa ra nhận xét cho rằng:
“”Thế lực thù địch” của Việt Nam không phải là mấy “ông già chống gậy” ở hải ngoại. “Thế lực thù địch” của Việt Nam là những người đã cài cái “khái niệm” thù địch này vô đầu lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.
Dồn hết tài lực vào việc “chống thế lực thù địch” cũng giống như việc tự đốt nhà, “vung đao tự thiến”, tự diệt vong….”
Ngày 15/6/2020, tại Quốc hội, cựu Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu:
“Tất nhiên phải tìm cho ra, cho đúng thế lực thù địch để nghiêm trị; nhưng không mượn bóng ma của các thế lực này để công kích những người góp ý cho mình, dù đó là dân thường, doanh nghiệp, trí thức hay đại biểu dân cử.”
Ông Trương Trọng Nghĩa cũng khẳng định, nếu như ở Hội trường Diên Hồng mà các đại biểu Quốc hội đang họp, còn có thế lực thù địch, thì nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của những người quy chụp, chứ không tồn tại ở nơi nào cả.
Xin nhắc lại, trong 6 điều dạy lực lượng Công an Nhân dân của Hồ Chí Minh, có điều, “Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép”, và đừng quên, nhân dân mới là chỗ dựa vững chắc cho chế độ./.
Trà My – Thoibao.de