Vào hai ngày 12 và 13/12, ông Tập Cận Bình có chuyến thăm sang Việt Nam lần đầu, từ năm 2017. Dự kiến, trong chuyến thăm này, Trung Quốc sẽ nâng cao hơn mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” mà Việt Nam đã ký với Trung Quốc 15 năm trước đây.
Từ năm 2017, Trung Quốc đã đề xuất khái niệm: “Cộng đồng chung vận mệnh”. Giờ đây, dự kiến Nguyễn Phú Trọng sẽ đưa Việt Nam cột chặt thêm vào với Trung Quốc. Nghĩa là, Trung Quốc “tằng hắng” thì Việt Nam phải “xanh mặt”, vì “chung vận mệnh” kia mà? Khi Mỹ nâng cao quan hệ với Việt Nam, thì Tập Cận Bình đã có cách buộc Đảng Cộng sản Việt Nam chặt hơn nữa.
Chúng tôi cũng đã phân tích rất nhiều về mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước khác là mối quan hệ giữa 2 nhà nước, còn mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc là mối quan hệ giữa 2 Đảng. Mối quan hệ giữa 2 nhà nước thì thường lấy lợi ích quốc gia làm trọng, còn quan hệ giữa 2 đảng thì lấy lợi ích Đảng làm trọng.
Trong tình hình Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng mất lòng dân, thì họ có thể hy sinh lòng dân để có được sự can thiệp sâu hơn từ “thiên triều”. Cho nên, mối quan hệ giữa 2 đảng là cực kỳ nguy hiểm cho đất nước.
Được biết, sau chuyến thăm Việt Nam, ông Vương Nghị – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã tiết lộ với báo chí Trung Quốc rằng, mối quan hệ “Cộng đồng chung vận mệnh” lấy quan hệ hai đảng Cộng sản là cốt lõi cho quan hệ Trung – Việt.
Đã là “chung vận mệnh”, nghĩa là có sự ràng buộc rất chặt. Vậy thì, để có mối quan hệ thật chặt này, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tìm cách chi phối Đảng Cộng sản Việt Nam, chứ không có chuyện ngược lại.
Vậy bằng cách nào?
Năm 2017, Tập Cận Bình đưa ra khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh”, đó là lúc ông Nguyễn Phú Trọng ký với ông Tập 15 văn kiện, khi ông Trọng sang Bắc Kinh. Trong đó có văn kiện hợp tác đào tạo cán bộ. Tức là, Đảng Cộng sản Trung Quốc đào tạo cán bộ cho Đảng Cộng sản Việt Nam, chứ không có chuyện ngược lại. Nói là hợp tác đào tạo cán bộ cho sang thôi, chứ thực tế, đấy gọi là “Hán hóa Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 20/10/2021, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Công văn số 1985, đề nghị các ban, bộ, ngành, đoàn thể, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, thông báo đến các đơn vị trực thuộc, để triển khai về việc cử công chức, viên chức dự xét tuyển đào tạo trình độ cử nhân tiếng Hán, thạc sĩ tại Trung Quốc.
Ngày 18/7/2022, bà Trương Thị Mai – Trưởng ban Tổ chức Trung ương – đã hội đàm trực tuyến với ông Trần Hy – Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – để bàn về việc triển khai kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ, giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngày 26/9, ông Đinh Tiến Dũng đã lặn lội sang Trung Quốc dự bế giảng Lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch nguồn, của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2025 – 2030, tại Đại học Bách khoa Hoa Nam, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Ngày 30/11, ông Dương Xuân Lôi – Phó Tổng thư ký Ủy ban Chính pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã gặp ông Phan Đình Trạc – Trưởng ban Nội chính Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam – để bàn về vấn đề Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam đào tạo cán bộ chuyên ngành phòng, chống tham nhũng.
Như vậy, từ năm 2017 đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành từng bước thay máu dàn lãnh đạo. Với mối quan hệ kiểu “cộng đồng chung vận mệnh”, thì không bao lâu nữa, Đảng Cộng sản Việt Nam đầy rẫy người Việt nói tiếng Tàu. Khi đó, vận mệnh của dân tộc này không hẳn được quyết định bởi Hà Nội, mà là bị điều khiển bởi ai đó ở tận Bắc Kinh.
Ý Nhi – Thoibao.de