Link Video: https://youtu.be/OiIut7UaJAw
Ngày 8/12, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của tác giả Hà Lệ Chi, với tựa đề “Chuyến thăm của Tập Cận Bình: Bản lĩnh cây tre của Việt Nam sẽ ra sao?”.
Tác giả đề cập đến chuyến thăm được xem là “dọn đường” của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Hà Nội gần đây, trước chuyến thăm của Tập Cận Bình.
Chuyến thăm của ông Tập, theo phía Trung Quốc là để đáp lễ cho chuyến thăm của ông Trọng vào tháng 11/2022.
Tuy nhiên, giới quan sát đều có thể nhận ra, chuyến thăm này của ông Tập không chỉ đơn thuần là một chuyến thăm đáp lễ, mà là một chuyến đi nhằm cân bằng lại vị thế và ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Việt Nam.
Bởi, theo tác giả, vào tháng 9 năm nay, Tổng thống Mỹ Biden đã có chuyến thăm Việt Nam và hai bên đã ký nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất. Và mới đây, Việt Nam tiếp tục nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất đối với Nhật Bản – đồng minh truyền thống và thân thiết của Washington ở châu Á, đồng thời cũng là một đối thủ của Trung Quốc.
Tác giả nhận xét, trong sự cạnh tranh quyết liệt Mỹ – Trung, vai trò của ASEAN rất quan trọng. Việt Nam đang đóng một vai trò tích cực trong khối ASEAN và trên trường quốc tế, cho nên, cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Tác giả cho rằng, đối với Hà Nội, vấn đề cần ưu tiên hàng đầu chính là tăng cường các hoạt động kinh tế – thương mại với thị trường Trung Quốc – vốn là lớn nhất hành tinh này.
Cùng với đó, đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là đường sắt giữa hai bên; thúc đẩy hợp tác du lịch quay trở lại mức như trước dịch COVID-19.
Hà Nội đang chờ mong Bắc Kinh sẽ đáp ứng một phần các nguyện vọng này của Việt Nam.
Trong khi đó, tác giả đánh giá, Bắc Kinh từ xưa đến nay, luôn sử dụng sức mạnh thị trường để đổi lấy việc ủng hộ các quyết sách chính trị của họ.
Tác giả dẫn báo chí Trung Quốc cho biết, Vương Nghị nói trong cuộc gặp với Bùi Thanh Sơn tại Hà Nội rằng, Trung Quốc và Việt Nam cần tích cực thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên biển, ngăn chặn sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, đẩy nhanh tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông và biến Biển Đông thành một vùng biển hòa bình và hợp tác.
Đề cập đến “cộng đồng chung vận mệnh”, tác giả dẫn bình luận của Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, đăng trên trang X (Twitter), nêu vấn đề: “Liệu Việt Nam có chịu khuất phục và gia nhập “cộng đồng chung vận mệnh” Trung Quốc? Áp lực là rất lớn”. Vì tất nhiên, một “cộng đồng chung vận mệnh” với Trung Quốc là “vô cùng rủi ro” cho Việt Nam.
Bởi, theo Giáo sư Alexander Vuving, việc khuất phục tương đương với việc Việt Nam chấp nhận các tuyên bố chủ quyền, cũng như sự hiện diện trên các đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, kể cả chấp nhận sự quấy rối của Trung Quốc đối với Việt Nam. Và Trung Quốc sẽ có nhiều đòn bẩy hơn để ép Việt Nam trong nhiều vấn đề khác.
Giáo sư Alexander Vuving bình luận, có thể không có thỏa thuận cụ thể nào về một “cộng đồng chung vận mệnh”, chỉ có sự sẵn sàng chung để nâng cấp quan hệ. Có thể Việt Nam đang cố gắng đòi hỏi nhiều nhượng bộ hơn từ Trung Quốc vì lời “đồng ý” của mình. Có thể họ đang cố gắng tìm một tên gọi khác cho mối quan hệ đang được nâng cao của mình.
Thực tế cho thấy, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết “cộng đồng chia sẻ tương lai” – một khái niệm được xem là mềm dẻo hơn, ít cực đoan hơn so với “cộng đồng chung vận mệnh”.
Liệu đây có được xem là một “thắng lợi” của bản lĩnh “ngoại giao cây tre” của Hà Nội trước Bắc Kinh hay không? Hay chỉ là một cách uyển chuyển thuật ngữ, để che dấu nội hàm bên trong, để làm dịu phản ứng của công chúng, như bình luận của Giáo sư Alexander Vuving?
Xuân Hưng
>>> Cam kết “cộng đồng chung vận mệnh” lãnh đạo Ba Đình dâng Biển Đông cho giặc Trung Quốc?
>>> Chuyến thăm của Tập và kế hoạch Hán hoá Đảng Cộng sản Việt Nam!
>>> Lừa trẻ em, người già và người tàn tật, các công ty xổ số lãi khủng!
Trung Quốc sẽ viện trợ cho Việt Nam xây các tuyến đường sắt