Mới đây, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách các ứng viên được đề xuất đủ tiêu chuẩn, để xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2023. Đáng chú ý, trong ngành Khoa học An ninh, chỉ có 1 ứng viên duy nhất đủ tiêu chuẩn, đó là ông Nguyễn Hòa Bình – Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.
Trong khi mạng xã hội còn tranh cãi chưa ngã ngũ, về việc “Ông Nguyễn Hòa Bình có xứng đáng là Giáo sư không?”, thì truyền thông nhà nước đưa tin cho biết:
“Học viện Cảnh sát Nhân dân đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư cho Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao.”
Báo Công Lý ngày 19/12 đưa tin với tiêu đề “Trao quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư cho Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình”. Bản tin cho biết, ngày 18/12, tại Hà Nội, Học viện Cảnh sát Nhân dân đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư ngành Khoa học An ninh năm 2023.
Theo báo Công Lý, trước đó, ngày 20/11, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã chính thức công bố Quyết định đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2023, đối với 630 nhà giáo, gồm 58 Giáo sư, 572 Phó Giáo sư. Trong đó, ngành Khoa học An ninh có thêm 1 Giáo sư và 13 Phó Giáo sư được công nhận.
Vẫn theo báo Công Lý, phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hòa Bình đã “bộc bạch” rằng, ông được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư từ năm 2002, và ông đã có một thời gian dài công tác trong ngành Công an. Đặc biệt, ông Bình đã khoe điều mà dư luận khẳng định là “không có thật”, khi khẳng định ông: “thường xuyên gắn bó với hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sĩ tại các trường Công an Nhân dân, trong đó có Học viện Cảnh sát Nhân dân”.
Trên mạng xã hội, chuyện ông Nguyễn Hòa Bình được phong Giáo sư lại nóng trở lại. Dư luận cho rằng, việc phong học hàm Giáo sư cho ông Nguyễn Hòa Bình không thuyết phục, nghe nó… kỳ kỳ.
Chức danh Giáo sư là học hàm, không phải chức vụ, ông Bình gọi là “bổ nhiệm” là sai. Tiểu sử của ông Nguyễn Hòa Bình thể hiện, rõ ràng ông chưa từng dạy ở bất cứ trường Đại học nào. Vậy ông làm sao đáp ứng điều kiện bắt buộc để được phong hàm Giáo sư, đó là“phải là giảng viên và từng hướng dẫn tốt nghiệp bao nhiêu sinh viên (số lượng cụ thể)”.
Theo trang Wikipedia, tiểu sử cũng như lý lịch của ông Nguyễn Hòa Bình cho thấy, ông từng làm trong ngành công an, là Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an; rồi Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, và nay là Chánh án Tòa Án Nhân dân Tối cao.
Với những vị trí như vậy, cộng đồng mạng đặt câu hỏi, “Thời gian đâu để ông Bình đi dạy, hay đi hướng dẫn cho sinh viên?”
Trong khi, về trình độ chuyên môn Luật của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, theo Luật sư Trần Đình Triển, là bạn đồng môn với ông Nguyễn Hòa Bình, cùng học ở Đại học Công An (cũ), từng đánh giá trên trang Facebook cá nhân rằng, “Ông Bình không đủ khả năng đọc để hiểu một văn bản pháp luật”.
Đó là chưa kể đến, trình độ của một Giáo sư “mới toe” như ông Nguyễn Hòa Bình, vẫn còn ở mức không hiểu được rằng, học hàm Giáo sư là được “phong trên cơ sở năng lực thực tế”, chứ không ai bổ nhiệm học hàm Giáo sư, và cũng không phải bằng cấp để có thể bỏ tiền ra mua như ở Đại học Đông Đô.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho biết:
“Phó Giáo sư phải có thâm niên về giảng dạy bao nhiêu năm, phải có đề tài nghiên cứu về khoa học, phải có công trình hướng dẫn luận văn thạc sĩ, rồi công trình viết sách, báo… Sau đó thì mới nộp hồ sơ để xin công nhận Phó Giáo sư. Rồi Phó Giáo sư bao nhiêu năm thì mới nộp hồ sơ để được công nhận là Giáo sư.”
Một lãnh đạo trường đại học lớn ở Hà Nội đã nghỉ hưu, trao đổi với phóng viên thoibao.de với điều kiện ẩn danh, đã đưa ra nhận xét:
“Ông Nguyễn Hòa Bình với cương vị hiện nay của ông ấy là Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Ủy viên Bộ Chính trị, như vậy, làm sao có thời gian để đứng trên bục giảng. Thứ hai, về năng lực và trình độ, cứ thông qua Kết quả phiên Giám đốc thẩm Vụ án Bưu điện Cầu Voi và Hồ Duy Hải cũng đã thấy quá rõ”.
Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, người được phong hàm Giáo sư năm 1992, nói với Đài Á Châu Tự do, cho biết, vấn nạn lớn của Việt Nam là do chạy theo xu hướng mang tính hình thức, dẫn đến những chức danh học hàm, học vị, Giáo sư hay Tiến sĩ không có thực chất.
Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ cho biết:
“Tức là, họ chỉ cần mình về quê, mình vỗ ngực xưng tên là giáo sư là tiến sĩ đây, thì tức khắc bà con phấn khởi, coi như đây là người đặc biệt ưu tú trong xã hội. Nên người ta không cần biết mình đứng ở đâu, có kiến thức gì, đã đóng góp gì cho khoa học.”
Phải chăng, đó là lý do, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã đề nghị nhà nước, cần có tổng rà soát bằng cấp, học hàm, học vị, sau vụ bê bối tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, với mục đích để sàng lọc chất lượng nhân sự./.
Trà My – Thoibao.de
21.12.2023