Chuyện vi phạm các quy định về quản lý xây dựng đô thị ở Việt Nam, là “chuyện thường ngày ở huyện”, đang diễn ra tràn lan trên khắp cả nước. Hễ nhắc đến vấn đề này, câu trả lời sẽ là, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”, nhưng cuối cùng, rồi cũng đâu rồi lại vào đấy.
Mới nhất, thành phố Hà Nội cho biết, đã và đang tiến hành rà soát các công trình xây không phép, xây sai phép trên toàn địa bàn thành phố, ở hầu hết các quận, huyện, thị xã.
Báo Người Lao Động ngày 17/12 đưa tin, “Phát hiện gần 10.000 công trình xây dựng không phép, sai phép ở Hà Nội”. Bản tin cho biết, đến ngày 30/11, đã có 30 quận, huyện, thị xã ở Hà Nội, tiến hành kiểm tra trật tự xây dựng, với số lượng 69.448 công trình.
Theo đó, “kết quả cho thấy: có 20.915 công trình xây dựng đúng giấy phép; 2.294 công trình xây sai giấy phép; 7.326 công trình không phép; 3.045 công trình miễn phép, và đã xử lý vi phạm đối với 165 công trình với số tiền phạt là hơn 3 tỉ đồng.”
Công luận cho rằng, tất cả các công trình xây không phép, sai phép, hay phạt cho tồn tại, đều có sự thông đồng của các cơ quan, cũng như cán bộ quản lý địa bàn.
Bằng chứng là, chỉ cần đổ một đống cát hay vài trăm viên gạch ở trước nhà, thì ngay sau đó, cán bộ quản lý đã biết và đến “hỏi thăm”. Rồi theo đúng quy trình, gia chủ lại làm cái thủ tục “đầu tiên”, đưa một cái phong bì cho cán bộ, lập tức sẽ được “châm chước”, làm ngơ.
Trước đó, báo Tuổi Trẻ cho biết, tại Hội nghị lấy ý kiến của các cán bộ nguyên lãnh đạo Hà Nội, về dự thảo “Luật Thủ đô”(sửa đổi), diễn ra ngày 18/9, ông Phạm Quang Nghị, cựu Bí thư Hà Nội (2006 – 2016) cho rằng, “các công trình xây trái phép, vượt tầng so với giấy phép xây dựng, “đằng sau là những thế lực chống lưng”.
Vẫn theo ông Phạm Quang Nghị, “Do vậy, khi xử lý, chính quyền không chỉ đương đầu với chủ công trình, mà còn cả thế lực “chống lưng” đó. Thành phố cần nghiêm khắc xử lý trách nhiệm cán bộ, trong việc để công trình vi phạm tồn tại, nếu cấp dưới vi phạm mà không bị xử lý thì cấp trên phải bị xem xét”.
Vẫn theo báo Tuổi Trẻ, phải kể tới tình trạng phổ biến khi xử lý các vi phạm, đó là cho nộp phạt để cho tồn tại. Thống kê của các cơ quan quản lý cho biết, hiện nay, ở Hà Nội, ước chừng có hàng chục ngàn công trình xây trái phép. Vậy, số tiền “phong bì” của các chủ đầu tư có thể lên tới con số ngàn tỷ. Số tiền đó đã chạy về đâu, và vào túi ai, thì ai cũng biết.
Nhà báo, võ sư Đoàn Bảo Châu, mới đây, trên trang Facebook cá nhân có một status với tiêu đề, “Con số này nói lên điều gì?”. Trong đó, tác giả Đoàn Bảo Châu đã đặt một câu hỏi rất đáng quan tâm: “Vậy làm thế nào để ngăn chặn văn hóa phong bì, thiên đường phong bì?”
Theo ông Châu, “Hãy thật nghiêm khắc trong việc cấm biếu xén, quà cáp, cấm đưa phong bì, đừng coi là việc nhỏ mà hãy thật quyết liệt. Lắp camera chốn công sở hay một xó xỉnh đường phố nào đấy, ngoài việc ngăn chặn tội phạm ngoài Đảng, thì chính là để ngăn chặn tội phạm trong Đảng.”
Lý do được nhà báo Đoàn Bảo Châu giải thích, “Chỉ khi nào ngăn chặn được dòng tiền luân chuyển bất hợp pháp dưới mọi hình thức, thì mới ngăn chặn được các sai phạm, không chỉ trong ngành xây dựng mà mọi ngành khác.”
Dư luận xã hội cho rằng, chuyện hàng trăm, thậm chí hàng ngàn căn nhà xây trái phép, xây sai thiết kế… bị các cơ quan chức năng phát hiện là điều dễ hiểu, dù quy trình quản lý của nhà nước, từ lúc xin giấy phép cho đến khi hoàn công, được cho là rất nghiêm ngặt.
Những điều vừa kể cho thấy, đó là việc phép nước bị coi thường, hay tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Một nguyên nhân rất quan trọng, đó là, khi lương nhà nước trả không đủ sống, thì việc làm ngơ hay tiếp tay cho sai phạm, sẽ là cơ hội tăng thêm thu nhập cho cán bộ quản lý đô thị ở cấp phường, xã. Cũng tương tự với các quan to ở cấp cao hơn, họ chia nhau những số tiền “lại quả” to, với các công trình lớn xây trái phép, tương đương với chức vụ của họ.
Đề cập tới tình trạng này, giải thích vì sao diễn ra rộng khắp mang tính hệ thống, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, ông Đặng Hùng Võ khẳng định:
“Tôi cho rằng, chính quyền các cơ sở nói không biết là hoàn toàn vô lý. Ở đây chắc chắn là phải có hiện tượng gọi là nhóm lợi ích, kết hợp giữa chính quyền một cấp nào đó với nhà đầu tư đã có hành vi gian lận.”./.
Trà My – Thoibao.de
20.12