Ngày 3/1/2024, blog Tùng Phong trên VOA có bài “Đường sắt Côn Minh – Hải Phòng: Cây giáo đâm xuyên yết hầu Việt Nam”.
Theo tác giả, “Hai hành lang, Một vành đai” kinh tế Vịnh Bắc Bộ là một hợp phần quan trọng của Vành đai Con đường, đã được chính phủ 2 nước Việt – Trung đạt được nhận thức chung từ 2004. Tức là trước khi “Hoàng đế Đỏ” đăng quang và nói về “Nhất đới nhất lộ” khá lâu.
Tác giả cho biết, trong một thời gian dài, “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Bắc Bộ” bị Hà Nội ghẻ lạnh vì những căng thẳng trên Biển Đông. Ngoài ra, nỗi e ngại về “bẫy nợ” và tai tiếng xấu của các dự án liên quan đến Vành đai Con đường, khiến cho Hà Nội không mặn mà với Sáng kiến này.
Tuy nhiên, tác giả phân tích, khó khăn kinh tế càng lúc càng khốc liệt. Bong bóng bất động sản, chứng khoán nổ tung, những sai phạm mang tính hệ thống nghiêm trọng trong ngành ngân hàng và quản lý tài chính quốc gia vỡ lở, gây ra cuộc khủng hoảng niềm tin lan rộng. Cùng với sự suy giảm đột ngột về “cầu thị trường” và sự chậm trễ chuyển đổi của các doanh nghiệp Việt, khiến cho “nền kinh tế rỗng” phụ thuộc vào gia công và xuất khẩu suy sụp đến mức không ngờ.
Có lẽ, chính vì áp lực này, khiến Hà Nội nhượng bộ trước Bắc Kinh trong dự án đường sắt Lào Cai – Hải Phòng.
Nhưng, tác giả đặt nghi vấn, liệu Việt Nam “chịu đấm” có được “ăn xôi” hay không thì chưa chắc chắn, bởi lẽ Trung Quốc cũng đang trong tình thế “ốc không mang nổi mình ốc”. Hàng chục tỷ USD hứa hẹn, có lẽ cũng chỉ là “tiền hơi” mà thôi.
Tác giả nêu câu hỏi: Tuyến đường sắt Hải Phòng – Lào Cai có lợi cho ai, và mục đích của Trung Quốc là gì?
Và cho rằng, tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng là cần thiết và có lợi cho cả hai bên. Mặc dù, với lợi thế vượt trội về qui mô, sản xuất, thương mại và logictics, hàng hóa Trung Quốc sẽ lấn át và tàn sát hàng vạn doanh nghiệp Việt. Nhưng mặt khác, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Các doanh nghiệp Việt buộc phải thay đổi, để thích ứng hoặc biến mất. Điều đáng lo ngại là, sẽ có một cú sốc lớn và tỷ lệ thất nghiệp nghiêm trọng trong những năm tới.
Tác giả cho rằng, Việt Nam mong đợi những khoản đầu tư lớn từ “Hai hành lang, Một vành đai”, với tâm thế của một người sắp chết đuối mong vớ được cái phao. Bất kể đó là phao của Mỹ, Nhật, Hàn hay Trung Quốc.
Tuyến đường sắt Hải Phòng – Lào Cai được điện khí hóa, có khả năng kết nối với mạng lưới đường sắt Trung Quốc, sẽ đem đến cơ hội tiếp cận tuyệt vời cùng lúc với mỏ đất hiếm Núi Pháo cực kỳ quí giá, và cảng biển chiến lược Hải Phòng.
Tác giả nhận xét, trong ván cờ này, kịch bản “đổi khoáng sản lấy hạ tầng” của các tập đoàn Trung Quốc ở các nước châu Phi, hoàn toàn có thể lặp lại với một Chính phủ tham nhũng luôn đói khát.
Nếu kiểm soát được mỏ Núi Pháo của Việt Nam, Trung Quốc hoàn toàn chiếm thế thượng phong với các nước Tây Phương trong cuộc chiến bán dẫn – chìa khóa của các ngành công nghệ đỉnh cao thế kỷ 21.
Cần phải nhấn mạnh rằng, tài nguyên đất hiếm hiện là con át chủ bài đáng giá nhất của Hà Nội, chứ không phải địa chiến lược. Nếu bị mất con bài này vào tay người anh em “4 tốt”, Hà Nội sẽ biết ngay bộ mặt thật của Bắc Kinh.
Ngoài ra, vẫn theo tác giả, trong “Hai hành lang, Một vành đai”, cảng Hải Phòng nằm ở vị trí trung tâm, là giao điểm của các trục kinh tế.
Tác giả kết luận, trong ván cờ này, chỉ cần Hà Nội giữ chặt hai con át là mỏ Núi Pháo và Cảng biển Hải Phòng, mọi chuyện sẽ trong tầm kiểm soát. Nhưng ngược lại, để mất một hoặc cả hai con Át, thì rất có thể, vào một ngày xấu trời, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ coi miền Bắc Việt Nam như “một phần không thể tách rời” của mẫu quốc. Khi đó, tuyến đường sắt Hải Phòng – Lào Cai – Côn Minh chẳng khác nào như một cây giáo đâm xuyên qua yết hầu Việt Nam.
Quang Minh – thoibao.de
3.1.2024