“Ngoại giao cây tre” tai hại thế nào với Việt Nam?

Ngày 2/1/2024, RFA Tiếng Việt có bài bình luận của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Trưởng khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư. Bài viết với tựa đề “Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng cạnh tranh Mỹ – Trung”.

Tác giả cho rằng, ngoại giao “cây tre” mang lại thành công cho Việt Nam. Quan hệ quốc tế “mềm dẻo” có vai trò đáng kể trong việc hoá giải “lời nguyền địa chính trị” với Trung Quốc, nhưng sự thịnh vượng của quốc gia mới mang lại sức mạnh thực sự quyết định độc lập, chủ quyền để phát triển. Hoá giải “lời nguyền” là động lực quan trọng để tìm bản sắc riêng, cải cách dân chủ hướng tới thịnh vượng.

Tác giả nhận xét, giới tuyên truyền “cung đình” Việt Nam đã “cố tình phớt lờ” rằng, có đến hơn 70% người dân “thích” Mỹ, trong khi chưa đến 30% tỏ thái độ tương tự với Trung Quốc, trong đó, yếu tố “lời nguyền” đóng vai trò quan trọng.

Tác giả đề cập đến sự thành công của “mô hình Trung Quốc, được dẫn dắt bởi tư tưởng thực dụng bởi Đặng Tiểu Bình từ cuối những năm 1970, với tốc độ tăng trưởng kỳ diệu.

Tuy nhiên, theo tác giả, mô hình Đảng Cộng sản lãnh đạo kinh tế thị trường ngày càng bộc lộ bất cập, đặc biệt từ khi ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo tối cao. Trung Quốc hiện không chỉ suy giảm về mức tăng GDP, mà còn cả về cấu trúc với những vấn đề như: nợ công, nợ địa phương cao, giảm phát, già hoá dân số, thanh niên thất nghiệp nhiều, khủng hoảng địa ốc, tham nhũng nghiêm trọng tràn lan, bất bình đẳng, dân chủ, nhân quyền “đi xuống, đầu tư nước ngoài giảm mạnh…

Về nước Mỹ, tác giả cho hay, người dân Mỹ tự hào về chế độ tự do của họ, với ưu thế thể chế quyết định sự thịnh vượng của quốc gia. Họ “may mắn” khi Hoa Kỳ lập quốc trong bối cảnh kinh tế thị trường thắng thế và các nguyên tắc thiết kế thể chế dựa trên ba điều cơ bản:

(1) Mọi người sinh ra đều bình đẳng;

(2) Một số quyền cơ bản tồn tại độc lập với nhà nước;

(3) Nhà nước tồn tại để bảo vệ những quyền đó;

Và, người dân Mỹ vẫn “tôn thờ”, không chỉ những nhà tư tưởng như Adam Smith và John Locke, mà còn ca ngợi Thomas Jefferson, người chấp bút cho Hiến pháp năm 1776; George Washington đã làm gương khi chỉ ở cương vị Tổng thống hai nhiệm kỳ mà không cai trị suốt đời; hay James Madison với tư cách là nhà thực dụng vĩ đại, khi ông vận dụng tư tưởng thực dụng để “tu chính” Hiến pháp và hoàn thiện chế độ dân chủ.

Tuy nhiên, người Mỹ cũng biết rằng, chế độ dân chủ không hoàn hảo, bởi những bất cập như gây chia rẽ, ra quyết định chính sách khó khăn, chậm chạp, bất bình đẳng giàu nghèo… Và, khi đó, câu nói của Thủ tướng Anh Winston Churchill rằng, “dân chủ là hệ thống ít tồi tệ nhất” thường được nhắc đến.

Tác giả bình luận, ngoại giao “cây tre” đang giúp Việt Nam cân bằng trong bối cảnh căng thẳng cạnh tranh Mỹ – Trung. Mặc dù mục đích chủ yếu là vì kinh tế, nhưng ngoại giao “cây tre” cần được nhìn nhận như là cách mà Việt Nam tìm bản sắc riêng để phát triển, trong đó, giải mã lời nguyền “láng giềng” là một động lực. Phương thức kinh tế tư bản chủ nghĩa đang thống trị thế giới, và từ quan điểm này, Trung Quốc và Mỹ đều là các nước tư bản, nhưng với chế độ chính trị khác nhau.

Tác giả khẳng định, sự cân bằng chỉ có thể, khi sức mạnh kinh tế của Việt Nam được tăng cường bởi động lực thị trường và thể chế dân chủ phù hợp, hiệu quả để kiểm soát quyền lực. Cải cách thể chế chỉ có thể thành công, khi vận dụng tư tưởng thực dụng để thúc đẩy động lực thị trường, đồng thời với cải cách dân chủ. Đó chính là chìa khóa của sự thịnh vượng đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Ý Nhi – thoibao.de

3.1.2024