Học nhiều để làm gì?

Ngày 7/1, trên Facebook cá nhân của Kiến trúc sư Dương Quốc Chính có bài bình luận “Học nhiều để làm gì?”

Tác giả đề cập đến vụ tân Thạc sĩ Đại học Thủ Dầu Một quỳ lạy mẹ vào ngày nhận bằng, khiến dư luận xôn xao. Nhưng chuyện quỳ lạy không phải là vấn đề, mà cũng không ảnh hưởng tới ai, điều cần bàn là chuyện khác và có ảnh hưởng tới nhận thức của đám đông.

Tác giả dẫn báo chí cho hay, bạn Thạc sĩ này có mẹ đơn thân nghèo, bán bún ở chợ. Bạn vốn học không giỏi, từng thi trượt cấp 3, sau đó học Trung tâm Giáo dục thường xuyên, rồi học Đại học Thủ Dầu Một.

Nhưng Thạc sĩ Hoàng Anh rất “hiếu học” và tham vọng làm Phó Giáo sư – Tiến sĩ, và giảng viên đại học.

Đặc biệt nữa, bà mẹ không biết Thạc sĩ là gì, nhưng vẫn quyết tâm khuyên con học. Và bà sẵn sàng gửi tiền cho con ăn học, dù không biết con học gì. Theo bà hiểu, cứ học cao và đi xa quê là thoát nghèo.

Tác giả nhận xét, nhận thức như mẹ con bạn Hoàng Anh này khá là sai lầm, nhưng sai lầm hơn là báo Tuổi Trẻ lại ca ngợi, với toàn những lời có cánh. Một cá nhân sai lầm thì chỉ người đó bị hại, nhưng tuyên truyền cho sai lầm, sẽ làm nhiều người bị hại.

Tác giả cho rằng, việc học nhiều, học cao, chưa chắc đã là cách thoát nghèo hiệu quả. Việc ca ngợi, khuyến khích một cá nhân học thật cao một cách vô tri, bất chấp hoàn cảnh của người ta, thoạt nhìn tưởng là hay, nhưng thực tế làm hại người ta, vì không phù hợp với hoàn cảnh của họ.

Tác giả nhận định, đa số người Việt vẫn có tư duy rất vô tri tương tự. Cắm đầu học, nhưng không tự trả lời câu hỏi: Học cái này để làm gì? Học cao vì bố mẹ muốn. Học cao lấy bằng cấp cao rạng danh dòng tộc, cho nó oai. Đúng tâm lý vinh quy bái tổ. Rồi hy vọng học cao để làm quan, để làm thầy thiên hạ.

Thực tế, theo tác giả, việc học cao phải gắn liền với định hướng nghề nghiệp. Với xã hội hiện tại, bằng cấp cao sẽ có lợi cho công việc giảng dạy, nghiên cứu chuyên nghiệp và để làm quan (rất vớ vẩn nhưng là sự thật).

Chắc không nước nào có nhiều chính trị gia là giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân như Việt Nam! Bộ trưởng Công an cũng giáo sư, tiến sĩ mới hài. Nhưng thạc sĩ đi làm Grab còn bi hài hơn nhiều.

Tác giả phân tích, để làm Phó Giáo sư – Tiến sĩ như Hoàng Anh mơ ước, thì chắc mất thêm ít nhất 5 – 10 năm nữa, với mức lương ba cọc ba đồng của giảng viên trung cấp hay đại học. Vậy bạn ấy có còn khả năng nuôi sống bản thân và báo đáp mẹ già?

Hơn nữa, để làm được công viên chức, cần phải có một số “tố chất”, như tác giả liệt kê:

  1. Phải chấp nhận làm culi cho COCC (con ông cháu cha)
  2. Phải tự gây dựng quan hệ bằng năng lực học vấn cũng như nhịn nhục lâu dài.
  3. Phải hòa nhập với việc kiếm tiền bẩn và đút lót để gây dựng quan hệ.

Theo tác giả, nếu thiếu một vài tố chất đó là sẽ rất khổ và có khi phải bỏ ngang, mà cơ hội là hữu hạn, nên tính xa một chút.

Tác giả kết luận, truyền thông và xã hội nên ngừng việc khuyến học một cách vô tri. Việc học hết phổ thông là nên bắt buộc, nhưng học đại học và sau đại học là nên cân nhắc theo hoàn cảnh và năng lực mỗi người.

Tác giả đánh giá cao một người đi làm thợ sớm, rồi phấn đấu để tự mở doanh nghiệp, cửa hàng, kiếm được tiền sạch sẽ và sớm, phù hợp với năng lực bản thân. Người giỏi dù làm thợ sớm, vẫn tìm được cách phấn đấu để vươn lên. Không có bằng cao vẫn làm thầy người ta được.

Còn thành phần cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, học rõ lắm rồi cũng đi làm thợ, làm xe ôm… thì đã làm lãng phí mấy năm cuộc đời, rồi tự ảo tưởng về bản thân làm hại xã hội.

Quang Minh – thoibao.de

7.1.2024