Chạy tội cho Chu Ngọc Anh quá trơ trẽn: Ai là người đứng sau?

Sáng 8/1/2023, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án Việt Á. Sau khi kết thúc phần xét hỏi, Hội đồng Xét xử tuyên bố chuyển sang phần tranh luận, và đại diện Viện Kiểm sát trong vai trò công tố, đã đề nghị mức án đối với 38 bị cáo.

Đại diện Viện Kiểm sát đánh giá, đây là vụ tham nhũng có hệ thống, với hàng loạt các cán bộ tha hóa, biến chất, cấu kết với tư nhân để gây ra những sai phạm nhức nhối cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và nhà nước.

Đây là vụ án mà người dân rất quan tâm, bởi tính chất đặc biệt nghiêm trọng, cùng với sự tham gia, tiếp tay của nhiều lãnh đạo cấp cao. Đồng thời, công luận cũng đòi hỏi, cần phải có những mức án cao nhất dành cho những kẻ cầm đầu.

Đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long – là 1 trong 3 cựu ủy viên Trung ương Đảng bị xét xử trong vụ án này – từ 19 đến 20 năm tù, do nhận hối lộ hơn 51 tỷ đồng (tương đương 2,25 triệu USD).

Hai cựu ủy viên Trung ương còn lại, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị đề nghị từ 5 đến 6 năm tù, với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, đã nhận hối lộ 4 tỷ đồng. Cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh, bị đề nghị từ 3 đến 4 năm, với tội danh “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Phản ứng của dư luận xã hội ngay sau đó, cho rằng, ngoại trừ mức án đề nghị cho Nguyễn Thanh Long của Viện Kiểm sát, còn tạm chấp nhận được; còn mức án đối với các bị cáo Phạm Xuân Thăng, Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc, thì không tương xứng với hành vi phạm tội của họ.

Vậy mà, báo Người Lao Động ngày 9/1 đưa tin, “Luật sư đề nghị cho cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh được hưởng án bằng thời gian tạm giam”.

Bản tin cho biết, sáng 9/1, phiên tòa xét xử 2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và 36 bị cáo trong vụ Việt Á, tiếp tục phần tranh luận, các luật sư nêu quan điểm bào chữa cho thân chủ của mình.

Theo đó, luật sư bào chữa cho cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, lỗi sai của thân chủ mình không nguy hiểm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong khi, ai cũng biết, bị cáo Chu Ngọc Anh bị truy tố về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Ngoài ra, trước đó, bị cáo Chu Ngọc Anh đã bị Bộ Công an khởi tố tội “nhận hối lộ” 200.000 USD từ Phan Quốc Việt, ngay tại phòng làm việc của mình.

Công luận thấy rằng, việc Bộ Công an bỏ qua tội danh “nhận hối lộ” của ông Chu Ngọc Anh, mà chỉ coi đó là nhận quà biếu, không có đòi hỏi hay tác động, là việc làm thiếu công chính. Cộng với việc đề nghị cho cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh được hưởng án bằng thời gian tạm giam của luật sư, thực sự là hành động chà đạp lên luật pháp và dư luận xã hội.

Chắc chắn, nếu không có ai đó bật đèn xanh, thì luật sư của ông Chu Ngọc Anh không dám liều mạng như thế.

Chuyên trang tinnhanhchungkhoan.vn, phụ bản của báo Đầu Tư, trong bài viết, “Các cựu Bộ trưởng Y tế, Khoa học và Công nghệ: “Dính” gì với kit test Covid-19 Việt Á?” cho biết, theo giới khoa học, những thành phần chính của bộ kit như sinh phẩm, enzyme, thành phần tham gia phản ứng… Việt Nam không sản xuất được, nên phải mua để phối trộn.

Cụ thể:

“Tháng 1/2022, Tổng cục Hải quan công bố số liệu hàng nhập khẩu của Công ty Việt Á, với tỷ lệ 100% hàng nhập từ Trung Quốc và nhiều nước khác, từ năm 2017 tới năm 2021, bao gồm: “bộ thành phẩm que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2” và “nguyên liệu hóa chất, chất thử, phụ kiện, dụng cụ, máy móc dùng trong phòng thí nghiệm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm” với tổng kim ngạch nhập khẩu 286 tỷ đồng.”

Điều này cho thấy rõ, Công ty Việt Á của Phan Quốc Việt cũng chỉ mua sinh phẩm từ nước ngoài về, rồi phối trộn để thành kit test Covid-19.

Vậy tại sao, Chu Ngọc Anh lại biến kit test Việt Á thành “kết quả nghiên cứu, chế tạo “bộ sinh phẩm made in Việt Nam”’, để dẫn tới con số gần 19 tỷ đồng ngân sách bị chi sai mục đích.

Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc không bị truy tố tội “nhận hối lộ”, có đúng không?

Câu trả lời là KHÔNG!

Theo giới luật gia, tại thời điểm Công ty Việt Á chuẩn bị thủ tục hồ sơ, để đăng kí kinh doanh sản xuất, buôn bán kit test, ông Chu Ngọc Anh là Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, và ông Phạm Công Tạc là Thứ trưởng của Bộ này.

Báo Thanh Niên cho hay:

“Theo cáo buộc, 2 bị cáo biết rõ đề tài nghiên cứu kit test thuộc quyền sở hữu nhà nước, nhưng sau khi được cấp dưới tham mưu, vẫn ký các quyết định giao Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu với Học viện Quân Y.

Với chuỗi hành vi giúp sức đã nêu, ông Chu Ngọc Anh được bị cáo Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt cảm ơn 200.000 USD, tương đương 4,6 tỉ đồng; ông Phạm Công Tạc được cảm ơn 50.000 USD, tương đương 1,1 tỉ đồng.”

Theo Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017, quy định về mức hình phạt cho tội “nhận hối lộ” như sau:

“Khoản 4.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

  1. a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
  2. b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.”

Đừng quên, đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đã làm ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân Việt Nam, góp phần làm cho hơn 4 vạn người phải chết oan ức vì sự vô trách nhiệm của nhà nước Việt Nam trong việc xử lý đại dịch Covid.19./.

Trà My – Thoibao.de

9.1.2024