Liên Hiệp Quốc cần chất vấn Việt Nam về vi phạm tự do Internet

RFA Tiếng Việt ngày 12/1 cho hay “Ba tổ chức phi chính phủ đề nghị Liên Hiệp Quốc chất vấn Việt Nam về vi phạm tự do Internet”.

Theo đó, 3 tổ chức nhân quyền gồm Hiến chương 19, Sáng kiến Pháp lý Việt Nam và Open Net vừa có một bản đệ trình chung, đề nghị Liên Hiệp Quốc đưa vào nghị trình chất vấn Chính phủ Việt Nam, về những nỗ lực nhằm hạn chế các quyền tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin và quyền riêng tư trên Internet của người dân.

Bản báo cáo này được đưa ra ngày 10/1, trước khi Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc xem xét việc Việt Nam thực thi Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, trong tháng 3 tới.

RFA dẫn ý kiến của ông Trịnh Hữu Long – đồng sáng lập tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam, và là tổng biên tập của Luật Khoa tạp chí, nói:

Việt Nam đang vi phạm nghiêm trọng các công ước của Liên Hiệp Quốc trong lĩnh vực quản lý Internet. Đó là điều mà công luận Việt Nam đã biết đến rộng rãi… Chúng tôi hy vọng những mối lo ngại về kiểm duyệt Internet, xâm phạm dữ liệu riêng tư của người dùng, cũng như việc bắt bớ, xử phạt người dùng Internet của Việt Nam sẽ được Uỷ ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đưa vào nghị trình chất vấn Chính phủ Việt Nam.”

RFA dẫn bản báo cáo, theo đó, Việt Nam đang áp dụng nhiều điều luật hà khắc nhắm vào hoạt động chính trị và giới bất đồng chính kiến, như Điều 109, Điều 117, và Điều 331, của Bộ luật Hình sự 2015.

Các điều luật này được sử dụng để xử phạt hành vi biểu đạt trực tuyến và hình phạt đã gia tăng đáng kể đối với hành vi phát biểu trực tuyến chỉ trích cách xử lý của Chính phủ đối với đại dịch COVID-19.

Báo cáo cho rằng, Luật An ninh mạng năm 2018 và Nghị định 53 ban hành năm 2022 của Chính phủ, vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư, khi cho phép các cơ quan chức năng truy cập dữ liệu mà không có sự giám sát độc lập.

Trong khi đó, Nghị định 13/2023/NĐ-CP mở rộng phạm vi giám sát của nhà nước và bắt buộc nội địa hóa dữ liệu, còn Nghị định 72/2013/NĐ-CP hạn chế các trang web xuất bản nội dung gốc, và Nghị định 15/2022/NĐ-CP áp dụng hình phạt tài chính đối với hành vi phát ngôn trực tuyến bị coi là bất hợp pháp.

Chính phủ sắp công bố một nghị định mới, yêu cầu đăng ký danh tính tên thật đối với người dùng trên các nền tảng truyền thông xã hội.

RFA dẫn lời bà Svetlana Zens, Giám đốc chương trình của tổ chức Hiến chương 19, nói:

Trong bối cảnh phát triển của quyền kỹ thuật số ở Việt Nam, cả các công ty công nghệ và xã hội dân sự cần phải tham gia vào một cuộc thảo luận hợp tác. Sự cân bằng mong manh giữa an ninh quốc gia và bảo vệ quyền tự do cá nhân, đặc biệt là khi đối mặt với các điều khoản hạn chế pháp lý, nhấn mạnh sự cần thiết của một cách tiếp cận đa sắc thái.

Khi chúng tôi phản ánh về những phát triển lập pháp gần đây, có cơ hội cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa nhiều bên liên quan, bảo đảm rằng nỗ lực thực hiện các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm phù hợp hài hòa với việc bảo vệ nhân quyền và quyền tự do Internet trong thời đại kỹ thuật số.”

Đây là thách thức đối với xã hội dân sự và doanh nghiệp có trách nhiệm để hoạt động và thịnh vượng trong môi trường pháp lý không cung cấp các biện pháp bảo vệ cho các chủ thể của mình,” bà nói.

Theo RFA, 3 tổ chức nhân quyền khuyến nghị, trong kỳ họp lần thứ 140 tới, từ ngày 4/3 đến 28/3, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cần hỏi, khi nào Nhà nước Việt Nam sửa đổi các điều luật mơ hồ của Bộ luật Hình sự, vốn được sử dụng để đàn áp tự do ngôn luận và đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích từ nhiều năm qua, cũng như, liệu Hà Nội có kế hoạch phóng thích những người bị bỏ tù vì các điều luật trên hay không.

Liên Hiệp Quốc cũng cần chất vấn Hà Nội về các quy định buộc các công ty công nghệ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam, buộc các trang mạng phải xoá bỏ các bài viết có nội dung “độc hại” cho chế độ, và cung cấp dữ liệu của người dùng, cũng như buộc người dùng phải công khai danh tính.

Pháp luật Việt Nam phải tuân thủ các quy định về quyền con người trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên, báo cáo nói.

Thu Phương – thoibao.de

12.1.2024