VN lên top 5 quốc gia “bỏ lò” nhiều nhà báo nhất

Ngày 18/1, RFA Tiếng Việt loan tin “Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo: Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất thế giới”.

Theo đó, Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất thế giới trong năm qua, với tổng số 19 nhà báo đang bị cầm tù, chỉ đứng sau Trung Quốc, Myanmar, Belarus và Nga.

RFA cho biết, Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) hôm 18/1 công bố báo cáo năm, về số lượng nhà báo đang bị cầm tù trên toàn thế giới, và cảnh báo con số này đang ở mức kỷ lục, với 320 nhà báo trên toàn thế giới được ghi nhận đang phải ở sau xong sắt, tính đến ngày 1/12/2023.

Hơn một nửa số nhà báo này đang phải đối mặt với các cáo buộc đưa tin sai sự thật, chống nhà nước và khủng bố.

RFA dẫn báo cáo cho hay, các nhà báo từ Việt Nam đang bị cầm tù, thường bị đối xử tàn tệ trong tù, như bị giam trong buồng giam chật chội, thiếu đồ ăn nước uống và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Báo cáo nêu bật tình trạng của tù nhân lương tâm Huỳnh Thục Vy, người đang thụ án tù 2 năm 9 tháng, với cáo buộc xúc phạm quốc kỳ. Nhà báo này đang bị bệnh về van tim nhưng không được chăm sóc đầy đủ, trong khi nơi giam giữ lại ở quá xa gia đình, hơn 190 km.

Trường hợp của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức cũng được đề cập trong báo cáo, khi tù nhân này không được nhà tù cung cấp nước nóng để nấu mì ăn liền mua ở căng tin nhà tù. Ông Trần Huỳnh Duy Thức hiện đang thụ án tù 16 năm, với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.

Báo cáo cũng nêu trường hợp của 5 nhà báo của nhóm Báo Sạch, hiện đã bị cấm hoạt động báo chí, sau khi thực hiện án tù với cáo buộc chống Nhà nước.

Trước đó, ngày 30/12 RFA cho hay, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) ra thông cáo kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà báo độc lập Lê Hữu Minh Tuấn, bởi người này đang trong tình trạng nguy kịch.

RFA dẫn lời người thân của ông Tuấn cho biết, ông không thể ăn bất cứ gì, chỉ có thể uống sữa với cháo loãng để cầm cự; vì ăn gì vào cũng không thể tiêu hóa. Ông nhắn lại rằng, bản thân “chịu hết nổi rồi, không thể cầm cự được nữa”.

Trước nữa, ngày 22/12/2023, VOA dẫn báo cáo tổng kết năm 2023 của RSF, cho biết, hiện có đến 36 nhà báo độc lập đang bị giam cầm tại Việt Nam, trong đó có 20 blogger, khiến Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia giam giữ nhà báo nhiều nhất trên thế giới.

RFS cũng xếp Việt Nam vào tốp 5 quốc gia có rủi ro cao nhất trên thế giới đối với các nhà báo.

RSF nêu trường hợp của nhà báo Nguyễn Lân Thắng, người vào tháng 4/2023 bị kết án 8 năm tù vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước”. Ông Thắng là nhà báo bị tuyên án tù cao nhất trong năm nay tại Việt Nam.

“Sự đàn áp của Đảng cầm quyền cũng vượt ra ngoài biên giới”, RSF cho biết, đồng thời nêu trường hợp của nhà báo Đường Văn Thái, người bị bắt cóc ở Thái Lan vào tháng 4/2023, rồi sau đó lại xuất hiện ở Việt Nam và hiện đang chờ xét xử về tội “Tuyên truyền chống nhà nước”, với khung hình phạt lên đến 20 năm tù.

“Các nhà báo bị cầm tù ở Việt Nam gần như bị đối xử hèn hạ một cách có hệ thống, và bị từ chối tiếp cận việc thăm khám y tế”, RSF nhận định, nêu điển hình hai nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và Lê Trọng Hùng, đã tuyệt thực để phản đối điều kiện giam giữ ở trại giam.

VOA cho biết thêm, ngày 11/12, RSF lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam vì đã kết án 2 năm 6 tháng tù đối với ông Lê Minh Thể, một nhà bình luận chính trị từng đăng tải các bài viết về ô nhiễm và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, với tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, cho rằng đây là “một điều luật vô lý được sử dụng rộng rãi để bức hại các nhà báo”.

Minh Vũ – thoibao.de

18.1.2024